Du lịch tiếp tục đà tăng, phân khúc khách sạn khởi sắc
Ngành du lịch đang trên đà phục hồi nhưng vẫn chưa thể trở lại mức trước đại dịch. Vì vậy, các nhà đầu tư cần có chiến lược hợp lý để tận dụng hiệu quả đà tăng.
Lực đẩy từ du lịch khởi sắc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 101.3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 3.7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2.228% theo năm. Khách quốc tế chiếm 3% lượng khách du lịch Việt Nam, tăng lên từ 0.4% năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt mức 17% như thời điểm trước dịch (năm 2019). Trong đó, Hàn Quốc chiếm 26% lượng khách quốc tế, Mỹ là 9% và thị trường mới nổi - Ấn Độ chiếm 3%.
Với thị trường lớn Trung Quốc, việc mở lại đường bay cũng mang đến nhiều kỳ vọng. Dù thời hạn khai thác lại chuyến bay hiện đang được các hãng hàng không tạm lùi tới cuối tháng 4 hoặc tháng 5/2023, nhưng điều này vẫn mang đến những hy vọng về sự bùng nổ của ngành du lịch.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist- nhận định: Dự kiến, năm 2023 sẽ là một năm bùng nổ của du lịch Việt Nam với điểm nhấn là du lịch biển đảo, đây cũng là lợi thế của nước ta với những thắng cảnh, điểm du lịch biển đảo thu hút, độc đáo. Dự báo trên xuất phát từ thực tế hiện nay tại Saigontourist ghi nhận nhu cầu của du khách tăng cao trở lại ở hầu hết các thị trường. Và đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ mảng du lịch quốc tế, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch vừa qua.
Với Hà Nội, năm 2023, ngành du lịch Thủ đô cũng đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2023. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đón khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó gồm: 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5 điểm % so năm 2022.
Các chuyên gia nhận định, sự nhộn nhịp của du lịch sẽ giúp ngành khách sạn tăng trưởng tốt trong năm 2023. Bên cạnh lực đẩy từ đà tăng của du lịch, sự bứt tốc ở ngành khách sạn còn đến từ một lực đẩy khác, đó là nhu cầu lớn từ lượng khách công vụ hay nhà đầu tư nước ngoài. Theo dự báo, năm 2023, thị trường Việt Nam sẽ dần trở nên ổn định hơn sau đại dịch, bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế và thu hút nhiều hoạt động đầu tư, trong đó có FDI. Nhà đầu tư nước ngoài hướng tới việc lưu trú tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh rồi di chuyển dần đến các khu vực lân cận như Bắc Ninh , Hải Phòng.
Ghi nhận của Savills vào Quý 4/2022, các khách sạn tại Hà Nội từ 3 sao trở lên đã có sự cải thiện rõ rệt về công suất. Trong giai đoạn này, công suất thuê khách sạn đạt 49%, tăng 7 điểm % theo quý và 22 điểm % theo năm. Riêng đối với phân khúc khách sạn 5 sao, công suất đã đạt đến 60%. Giá phòng trong giai đoạn trên cũng đạt trung bình 2.5 triệu đồng, tăng 15% theo quý và 41% theo năm. Xét trên cả năm 2022, công suất thuê tăng 16 điểm % lên 39% và giá phòng trung bình đạt 2.2 triệu đồng, tăng 23% so với năm trước đó.
Bài toán của nhà đầu tư
Trong năm 2023, dự kiến 8 dự án khách sạn mới với quy mô 1.300 phòng sẽ được khởi động, và từ năm 2024 trở đi 60 dự án mới với khoảng 10.300 phòng sẽ ra mắt thị trường Hà Nội với các nhà điều hành quốc tế bao gồm Four Seasons, Lotte, Dusit, Wink, Accor, The Shilla, Hyatt, Marriot và Hilton. Khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera cũng sẽ tạm thời đóng cửa để nâng cấp và ra mắt lại với thương hiệu Waldorf Astoria.
Xét về khía cạnh chủ đầu tư, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng: “Các chủ đầu tư sẽ có sự chuẩn bị chủ động để đón lượng khách gia tăng trong mùa cao điểm du lịch, từng bước cho ra mắt thêm nhiều lựa chọn về địa điểm lưu trú. Mặc dù vậy, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Các thị trường ven biển Đà Nẵng mới chỉ đạt khoảng 50% mức công suất của năm 2019. Chính vì vậy, việc đưa ra chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất và xây dựng, cải tạo dự án theo từng giai đoạn là một trong những chiến thuật tiêu biểu mà các chủ đầu tư nên áp dụng để tận dụng hiệu quả cơ hội này".
Theo bà Hằng, để bắt kịp xu thế, một trong những điều thị trường cần ở thời điểm hiện tại là việc hoàn thiện khung pháp lý. Việc làm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đầu tư sẽ là động lực để nhà đầu tư củng cố niềm tin trên thị trường. Đồng thời, các chủ đầu tư cần chủ động chuẩn bị những giải pháp dự phòng để giải quyết nhanh các vướng mắc trong thủ tục pháp lý, tránh trường hợp bị động, khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Đây sẽ là chìa khóa để mang nhà đầu tư lại gần hơn với các dự án và thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc khách sạn trong tương lai.
Tuy nhiên, theo bà Uyên Nguyễn, Trưởng Bộ phận Tư vấn, Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, để đảm bảo an toàn, các nhà đầu tư cần xác định được mục đích sở hữu sản phẩm là gì; sản phẩm bất động sản để dùng cho mục đích lưu trú cá nhân, nghỉ dưỡng, hay là dòng sản phẩm đầu tư, khai thác dòng tiền. Tiếp theo đó là tìm hiểu về đơn vị phát triển. Nếu chủ đầu tư là đơn vị có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng, có hồ sơ năng lực quản lý vận hành hiệu quả và có lịch sử thực hiện đúng cam kết với người mua thì dự án sẽ dễ nhận được sự quan tâm của thị trường.
Nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến khả năng vận hành kinh doanh của dự án vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập tương lai và khả năng sinh lời của khoản đầu tư. Người mua cần biết đơn vị vận hành, thương hiệu của dự án, cấu trúc hợp tác cho thuê ra sao, các tiện ích cung cấp, đây đều là những yếu tố cơ bản cần tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư vào dự án.
Tóm lại, năng lực triển khai dự án, hiệu quả quản lý khi đi vào vận hành, khả năng đáp ứng nhu cầu mua để sử dụng hay mua nhằm mục đích chính đầu tư là những yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu tâm.
NAM ANH