Du lịch nội địa tăng trưởng nóng: Chất lượng dịch vụ không tương xứng

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 15:19:15

Du lịch nội địa tăng trưởng nóng dịp hè đã giúp nhiều địa phương hoàn thành kế hoạch năm về số lượng khách. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng cũng đã bộc lộ những yếu điểm cố hữu của ngành du lịch là chất lượng dịch vụ nhiều bất cập.

Lý giải nguyên nhân tăng mạnh khách nội địa, các chuyên gia du lịch cho rằng, sau 2 năm phòng chống dịch COVID-19, các gia đình, đơn vị chưa đi du lịch những năm trước đều tổ chức dồn trong dịp hè này. Một phần để quyết toán chi phí dồn những năm trước, một phần cũng để nghỉ ngơi, xả stress sau 2 năm "bí bách".

Dịp hè này, chị Lan Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) đi du lịch tới 3 lần. "Đầu hè, vào cuối tháng 5, tôi đi du lịch Bình Định với cơ quan do "tồn" vé máy bay, khách sạn từ năm trước. Cuối tháng 6, tôi đi với gia đình đi Phú Quốc. Giữa tháng 7 tôi đi với nhóm bạn đại học đi Hạ Long. Theo lịch, tháng 8, tôi có đi với nhóm ở chung cư đi nghỉ tại Ba Vì, Hà Nội. Chưa năm nào, tôi lại đi du lịch nhiều như vậy vì đến một nửa là chương trình đã lên kế hoạch từ năm trước và "treo" tiền vé và dịch vụ, không đi sẽ hết hạn dùng trong năm nay.

Đây cũng là hoàn cảnh không ít gia đình và các đơn vị tổ chức cho lao động đi trong dịp hè này. Điều này tạo sự quá tải trong du lịch nội địa trong hè này.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) cho biết: "Mới đây, tôi có đoàn 200 khách của một doanh nghiệp xuống Hạ Long (Quảng Ninh) mà tìm dịch vụ khách sạn và nhà hàng đều kín. Hạ Long giờ đông khách không kém Sầm Sơn. Các dịch vụ tại các điểm du lịch biển dịp hè, nhất là những ngày cuối tuần đều quá tải".

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ đơn vị xe Tuấn Lâm cho biết, các xe du lịch chạy hết công suất, xe kín lịch từ tháng 4 đến nay. Không chỉ thiếu xe mà thiếu cả lái xe. Thường dịp cao điểm thuê lái tự do 300.000 đồng/ngày, nay trả lên 500.000 đồng/ngày không tìm được lái xe như ý. Dịp này các nhà xe đều cố gắng tận dụng tối đa xe hiện có để quay vòng, dẫn đến chất lượng nhiều xe không như mong muốn.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết: Đã thành quy luật, cứ dịp hè bước vào mùa du lịch nội địa, lượng khách đều tăng cao. Tuy nhiên, điểm lưu ý của mùa hè năm nay là giai đoạn hồi phục sau đợt dịch kéo dài 2 năm. Gần như nhân sự phải làm mới hoàn toàn sau thời gian "ngủ đông", cùng với đó là hạ tầng dịch vụ cũng mới chỉ được khởi động lại sau dịp nghỉ lễ 30/4. Trước đó đi khảo sát chất lượng dịch vụ lưu trú, nhiều phòng để lâu ẩm mốc, chủ doanh nghiệp không còn trường vốn để đầu tư thay mới hàng loạt mà thực hiện theo hình thức quay vòng theo đợi, có khách, có vốn đến đâu mới đầu tư tiếp đến đó. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ không được như trước đây.

"Sự điều phối luồng khách có hiện tượng quá tải điểm đến hiện nay chưa có địa phương nào thực hiện. Các tỉnh chỉ mới chú trọng quảng bá hút khách, xử lý khi có thông tin phản ánh dịch vụ"chặt chém", còn lại thả nổi để thị trường tự điều tiết. Do đó, các doanh nghiệp, hội nhóm thường chía sẻ thông tin để giãn khách sang những khách sạn trống hoặc tư vấn khách đi vào ngày thường giảm giá 10-15% so với cuối tuần. Để điều phối luồng khách, quan trọng nhất phải có quy hoạch và thông tin luôn cập nhật, minh bạch", ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.


Tập trung cho mùa khách quốc tế sắp tới

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) nhận xét, tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa năm 2022 rất nhanh, vượt cả năm 2019, tạo ra áp lực lớn cho ngành du lịch. Sự tăng trưởng quá nóng dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống. Với đà tăng trưởng như hiện nay, cả năm, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu lượt khách, vượt cả năm 2019.

Các khách sạn dịp này luôn hoạt động tối đa công suất.


"Sự tăng trưởng quá nóng, đôi khi làm hỗn loạn du lịch, dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống, trong khi Việt Nam đang phấn đấu du lịch sang trọng, thu hút khách tiêu nhiều tiền. Một số tỉnh thành chạy theo số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng, doanh thu và lợi nhuận thu được. Nhiều khách sạn 4 – 5 sao hiện cũng chuyển sang làm khách nội địa để giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, điều này làm thấp vị thế du lịch Việt Nam. Việc không đẩy mạnh được khách quốc tế mà lại đắm sâu vào khách nội địa thì du lịch nước ta sẽ thụt lùi", ông Vũ Thế Bình nhận định.

"Chúng tôi đã từng làm nhiều phong trào kích cầu du lịch song điều này chỉ giải quyết được khó khăn nhất thời. Giảm giá mãi thì đến một lúc sẽ không còn cái gì để giảm nữa, nên từ 2021, Hiệp hội bỏ chương trình kích cầu và tư duy rằng phải phát triển hợp lý về giá cả, để doanh nghiệp sống được và nâng cao chất lượng", ông Bình chia sẻ.

Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy, doanh thu du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi du lịch từ nguồn khách quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều. "Do đó, Chính phủ sớm tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn, thuận lợi hơn, điển hình là mở rộng miễn visa. Tiếp đến, ngành du lịch hướng đến thị trường khách mục tiêu. Trước đây, Việt Nam chỉ chăm chú vào các thị trường gần như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Tuy nhiên, sau COVID-19, mọi thứ đã thay đổi, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải phát triển những thị trường mới. Mỗi thị trường lại đòi hỏi cách tiếp cận, xúc tiến khác nhau dựa trên phong tục, tạp quán, thói quen đi du lịch của từng nơi, không thể làm chung chung", ông Vũ Thế Bình nhận xét.

Để nâng chất lượng dịch vụ, yếu tố then chốt vẫn là nguồn nhân lực. Trong đại dịch COVID-19, ngành du lịch mất 50 – 60% số lao động. Nhiều khách sạn 5 sao không còn lao động. "Đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, có thể đào tạo bài bản như trước đây hoặc bồi dưỡng ngắn hạn để giải quyết tình hình trước mắt. Tiếp đó, ngành cũng tạo sản phẩm du lịch mới. Hiện khách đi du lịch sinh thái, hay khách MICE rất nhiều. Những ngày này, ở nhiều địa phương, các phòng họp trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng không còn chỗ trống. Du lịch MICE trở thành điểm nhấn du lịch hè. Du lịch thể thao, du lịch golf cũng tiềm năng… Do đó, doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ xây dựng, đào tạo, tập huấn, phát triển sản phẩm du lịch mới", ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Trước vấn đề du lịch nội địa tăng trưởng nóng dịp hè, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục đã đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để nắm bắt tình hình mở lại hoạt động du lịch, lắng nghe đề xuất kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu có giải pháp, chính sách hỗ trợ."Tổng cục đang đẩy mạnh quảng bá trên môi trường số. Dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong tốp điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%" ông Phạm Văn Thuỷ cho biết.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Phục hồi sau 2 năm "đóng băng"vì dịch COVID-19 nên ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hàng không đang có dấu hiệu quá tải, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tổng cục Du lịch tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...

Về thu hút khách quốc tế dịp cuối năm, ông Phạm Văn Thủy cho rằng, thông thường, khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm từ tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 4 của năm tới. Việc đón được 5 triệu khách quốc tế  phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề dịch bệnh, COVID-19 chưa xong đã phải tiếp tục ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, cúm A. Nhiều thị trường trọng điểm còn chưa mở cửa, điển hình là Trung Quốc vẫn đang "Zero COVID"…  Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các đối tác liên quan, các Văn phòng đại diện, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở các nước để tiến hành chương trình quảng bá, xúc tiến, tạo hành lang pháp lý tốt nhất trong nước để thu hút khách…

Chia sẻ Facebook