Du lịch giá rẻ: Thực trạng đằng sau đà phục hồi kinh tế không như kỳ vọng của Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
27/05/2023 20:48:19

VietTimes – Sự nổi tiếng bất ngờ của thành phố Truy Bác phản ánh thực trạng đáng lo ngại về đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau giai đoạn đại dịch COVID-19.

Truy Bác trở thành một hiện tượng hút khách du lịch giai đoạn hậu COVID-19 (Ảnh: Getty)

Giải phóng nhu cầu bị dồn nén


Hàng nghìn du khách nhấm nháp loại bia rẻ tiền trong những chiếc cốc nhựa và xiên thịt cừu nướng ngoài trời vào mỗi đêm ở thành phố Truy Bác của Trung Quốc . Du khách chụp ảnh cùng bạn bè, nhiều người trong số họ đang hưởng thụ kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi chính quyền gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19 .

Cho đến mãi gần đây, rất ít người Trung Quốc biết đến thành phố Truy Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông. Giờ nó đã trở thành một trong những điểm du lịch “hot” nhất ở Trung Quốc. Độ nổi tiếng của nó bắt nguồn từ tâm lý chung của cả nước – coi trọng niềm vui và sự tiết kiệm hơn là chi tiêu xa hoa, nhưng cũng kéo theo nhiều hậu quả đối với đà phục hồi của Trung Quốc giai đoạn sau đại dịch.

Kể từ cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã gỡ bỏ gần như hoàn toàn các lệnh kiểm soát dịch COVID-19 từng khiến nền kinh tế Đại lục đóng băng. Thế nhưng những vết thương kinh tế do đại dịch gây ra vẫn chưa lành hẳn – thậm chí một vài chỉ số còn cho thấy mọi chuyện đang tệ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đã đạt kỷ lục 20,4% trong tháng 4, từ 16,7% vào thời điểm cuối năm 2022.

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đang tràn đầy năng lượng trở lại. Các khu mua sắm, nhà hàng, nhà ga xe lửa trở nên đông đúc. Nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là người trẻ, nói rằng họ đã muốn bù đắp lại khoảng thời gian tránh dịch COVID-19 bằng cách đi du lịch nhiều nhất có thể. Trong bối cảnh đà tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, Trung Quốc phải dựa vào người tiêu dùng để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Nhưng sự sôi động đó che giấu một thách thức đằng sau. Trong khi sẵn sàng chi tiền để tiệc tùng với bạn bè, nhiều người Trung Quốc hạn chế mua các vật dụng đắt tiền hơn như đồ nội thất và thiết bị gia dụng. Triển vọng việc làm mờ mịt cũng khiến nhiều người trẻ trì hoãn cưới xin và sinh con, càng khiến cho tình trạng dân số suy giảm của Trung Quốc tồi tệ hơn.

“Người trẻ tuổi giờ suy nghĩ rất khác”, Shao Xiaoru, 23 tuổi, mới đi du lịch tới Truy Bác trong tháng này, cho hay. “Tất cả đều muốn đi ra ngoài và tận hưởng niềm vui thay vì ở trong nhà”.

Shao đã đến thăm một cửa hiệu sách nổi tiếng ở Truy Bác, nhìn giống như một ngôi chùa lớn. Nhưng rất ít người mua sách, nên chỉ có 3 trên tổng số 9 tầng của cửa hiệu còn hoạt động. Thay vào đó, du khách tới đây lựa chọn thú tiêu khiển khác không tốn tiền – chụp ảnh selfie và đăng tải trên mạng xã hội.

Sự trỗi dậy của Truy Bác như một điểm thu hút du khách phản ánh lại nhu cầu bị dồn nén của người dân mà giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng biến sự phấn khích đó thành đà tăng trưởng kinh tế bền vững lại phức tạp hơn nhiều.

Những con số thống kê về kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua cho thấy rõ thách thức mà Trung Quốc đang phải đối diện. Mặc dù số lượng các chuyến đi nội địa trên toàn quốc đã tăng 19% so với năm 2019, nhưng tổng lượng chi tiêu của khách du lịch chỉ tăng có 0,7%, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.

Phản ánh lại sức chi tiêu mờ nhạt của người tiêu dùng, lạm phát cũng gần như không tồn tại ở Trung Quốc. Giá cả chỉ tăng 0,1% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng thấp nhất trong hơn 2 năm.

Du lịch giá rẻ bất ngờ thành xu hướng

Trước năm 2023, Truy Bác chả có gì đặc biệt nếu so sánh với hàng trăm thành phố và thị trấn công nghiệp trên khắp Trung Quốc – ngoại trừ món thịt nướng đặc sản.

Món thịt xiên nướng độc đáo, giá cả phải chăng của Truy Bác hút khách du lịch (Ảnh: Bloomberg)

Cũng như các vùng khác của Trung Quốc, những miếng thịt cừu hoặc rau củ với kích thước vừa miệng được xiên bằng que và đem nướng. Nhưng thay vì ăn luôn, dân bản địa Truy Bác thường gói chúng bằng một loại bánh mặn kèm với hành lá và sốt tỏi ớt. Một xiên thịt cừu nướng kiểu này thường có giá chưa đến 50 cent, và 2 người tính cả ăn uống chỉ tốn khoảng 20 USD.

Sự nổi tiếng đột ngột của Truy Bác là nhờ một chiến dịch quảng bá thành công bất ngờ của chính quyền địa phương. Trong tháng 2, Đoàn Thanh niên Cộng sản đã mời hơn 260 sinh viên ngành kỹ sư hóa học tới thử món nướng đặc sản của thành phố này, theo truyền thông địa phương, và rất nhiều người đã đăng tải hình ảnh về chuyến đi trên mạng. Ngay sau đó, hashtag về chuyến thăm của đoàn sinh viên nọ tới Truy Bác thu hút được sự quan tâm trên mạng xã hội.

Khi Truy Bác trở thành một xu hướng du lịch trên mạng, giới chức địa phương được đà thúc đẩy kế hoạch của họ, tổ chức một cuộc họp báo để loan báo rằng thành phố sẽ tổ chức một lễ hội thịt nướng trong dịp lễ 1/5.

Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đổ xô tới Truy Bác. Sau đại dịch, nhờ được kết nối hơn bao giờ hết, nhiều người dân bản địa bắt nhịp nhanh với xu hướng và “trải thảm đỏ” đón khách du lịch. Điều này càng thu hút thêm các influencer.

Đến tháng 3 năm nay, Truy Bác đã củng cố được vị thế vững chắc của một điểm hút khách du lịch: 4,8 triệu lượt du khách đến thăm thành phố trong tháng đó, nhiều hơn cả dân số 4,7 triệu người của nó.

Vào dịp lễ 1/5, truyền thông nhà nước thông báo vé tàu hoả đi từ Bắc Kinh đến Truy Bác đã được bán hết chỉ trong vòng 1 phút. Thành phố này trở nên quá đông đúc đến nỗi chính quyền địa phương phải đề nghị du khách tạm hoãn kế hoạch tham quan của họ.

Để tranh thủ kiếm tiền nhờ sự nổi tiếng này, nhiều ngân hàng ở Truy Bác cung cấp các khoản vay lãi suất thấp để khuyến khích người dân mở thêm nhà hàng tiệc nướng ngoài trời. Dù tiếp đón lượng du khách lớn, nhưng chính quyền và doanh nghiệp địa phương cam kết sẽ không tăng giá, điều này càng giúp họ hút thêm du khách.

Truy Bác trở thành điểm nóng thu hút những người có ảnh hưởng (Influencer) (Ảnh: WSJ)

“Thịt xiên nướng của chúng tôi rất tươi ngon, trong khi giá cả hợp lý và có hương vị độc đáo”, Yang Benxin, chủ của một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất ở Truy Bác, hồ hởi nói. Du khách thường phải xếp hàng từ trước 8h00 sáng để ghi số, đảm bảo có được một chỗ ngồi cho bữa tối.

Yang cho hay mỗi ngày ông thường tiếp đón khoảng 1.500 khách, trong đó nhiều người nán lại bên ngoài để quan sát cuộc vui. Có một buổi tối, hàng chục người tay cầm smartphone đứng quay trực tiếp từ bên ngoài nhà hàng. Một chiếc drone bay lơ lửng bên trên, một người khác bày bán dưa chuột để quảng bá cho các sản phẩm địa phương, mời du khách nếm thử trong lúc đang quay phim.

Du lịch hợp túi tiền

Những hình ảnh gần gũi này khác biệt hẳn nếu so với những khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Tam Á, được xem như Hawaii của Trung Quốc, nhưng chúng đã nói lên khao khát của nhiều người dân Trung Quốc ngày nay. Bà Liu Jing, người điều hành một trong những nhóm thương mại thịt nướng của Truy Bác, cho biết:

“Nếu anh đến Tam Á trong 2 hoặc 3 ngày, chi phí sẽ lên tận nóc nhà”, bà nói. “Nhưng nếu anh đến đây, anh có thể thực sự tận hưởng một nơi phục vụ chu đáo với giá cả rất phải chăng”.

Hiện tượng của Truy Bác cũng được hỗ trợ bởi giới truyền thông nhà nước. Trước đó, đã có một câu chuyện về hơn 10.000 sinh viên đại học bị buộc phải cách ly ở Truy Bác trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh vào năm ngoái. Sau khi giới chức địa phương đối xử đặc biệt tốt với các sinh viên trong lúc cách ly, một số sinh viên hứa sẽ trở lại thành phố này để thử món thịt xiên nướng, theo một bài viết.

Sự quan tâm của dư luận đã biến khu chợ ngoài trời Badaju nằm ở trung tâm thành phố Truy Bác thành một xưởng phim chuyên sản xuất nội dung mạng xã hội. Nhiều chủ cửa hàng treo băng-rôn đỏ chữ vàng để thu hút những người có ảnh hưởng (influencer) tới quầy của họ. Hầu hết các quầy trong chợ đều ngừng bán các mặt hàng thường ngày như hoa quả, rau củ để chuyển sang các món đặc sản hút khách du lịch như bánh ngọt có nhân gạo nếp tím.

Một số ý kiến cho rằng hiện tượng Truy Bác là một triệu chứng của nền kinh tế, và sự nổi tiếng của nó không thể kéo dài (Ảnh: SCMP)

Chỉ là hiện tượng nhất thời

Tuy nhiên, hiện tượng Truy Bác cũng làm dấy lên nhiều sự ngờ vực. Một số người đặt câu hỏi về tâm trạng lạc quan xung quanh nó. Một trong những bình luận thu hút được sự quan tâm nhất cho rằng, sự nổi tiếng của thành phố này không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế mà nhiều thành phố nhỏ của Trung Quốc đang phải đối mặt, và rằng nhiều người trẻ ở Trung Quốc bị hao mòn do chạy theo các influencer thay vì nghĩ cho bản thân họ.

“Xã hội đang bị bệnh, và sự nổi tiếng của thịt xiên nướng chính là một triệu chứng bệnh”, Song Zhibiao, một cây viết độc lập và cựu nhà báo nổi tiếng của Trung Quốc, viết.

Bất chấp một số lời phê bình, tiệc tùng ở Muyang Village và trên khắp thành phố Truy Bác vẫn diễn ra hàng ngày. Sau 22h00 một buổi tối nọ, khi những du khách mặt đỏ tưng bừng bắt đầu vãn dần, người điều hành quán, ông Yang, bắt đầu tâm sự về sự nổi tiếng bất chợt.

Ông nói, mặc dù doanh thu tăng đột biến nhưng ông hứng phải rất nhiều lời phàn nàn trên mạng về dịch vụ không tốt của nhà hàng, do đội ngũ phải chật vật tiếp đón một lượng lớn du khách. Ông nói rằng du khách đến Truy Bác đòi hỏi rất cao: thức ăn ngon, dịch vụ tốt nhưng giá phải rẻ.

“Nếu các bạn muốn dịch vụ chất lượng cao, chúng tôi không thể tính phí rẻ và hợp túi tiền được”, ông nói.

Yang cũng bắt đầu nói với khách hàng rằng nhà hàng của ông không đáng để phải xếp hàng chờ vào.

“Tôi nghĩ rất khó để mọi thứ tiếp diễn như thế này”, ông nói. “Nếu chúng tôi vẫn giữ được sự nổi tiếng này trong vòng 6 tháng nữa, đó sẽ là một phép màu”.


Theo Wall Street Journal

Chia sẻ Facebook