Du lịch châu Á phục hồi tích cực
Sự trở lại của du khách quốc tế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch châu Á và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
Sau hơn 2 năm áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, từ ngày 11/10, Nhật Bản đã chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế. Các hãng hàng không đã bổ sung nhiều chuyến bay để đáp ứng nhu cầu di chuyển đã bị dồn nén từ lâu.
"Chuyến bay của tôi không còn một chỗ trống. Điều đó khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ mọi người đang rất muốn đến đây và điều này sẽ tốt cho nền kinh tế. Nhật Bản cần khách du lịch", ông Vicente Koester, du khách, chia sẻ.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng, sau khi quay trở lại, các du khách quốc tế sẽ chi tiêu khoảng 35 tỷ USD/năm, qua đó thúc đẩy ngành du lịch và nền kinh tế tại các địa phương. Các doanh nghiệp du lịch cũng tin tưởng vào một sự phục hồi.
"Tôi nghĩ lượng khách du lịch vào thời điểm hiện tại chỉ có thể đạt được khoảng một nửa mức của năm 2019. Tuy nhiên, con số này sẽ dần tăng lên", ông Shinya Billy Kurosawa, Chủ tịch công ty JTB Global Market and Travel, cho biết.
Ngoài Nhật Bản, nhiều nền kinh tế khác trong khu vực như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có những động thái nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm thúc đẩy du lịch, để bù đắp cho sự suy giảm của thương mại quốc tế sau đại dịch.
Các quốc gia Đông Nam Á được coi là điểm sáng tích cực, với tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn tăng 57% kể từ đầu năm tới nay. Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn cũng được tăng cường.
"Sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng tốc trong vài tháng qua khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng. Điều này đã làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư, ngay cả khi nền kinh tế phải đối mặt với một số khó khăn. Chúng tôi dự báo, tổng vốn đầu tư vào khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ là 10,7 tỷ USD trong cả năm 2022", ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành cấp cao, công ty JLL Hotels & Hospitality Group, nhận định.
Tuy vậy, ngành du lịch châu Á vẫn sẽ phải đối mặt với một số thách thức, như nhu cầu đi du lịch hạn chế hơn của người dân tại nhiều quốc gia và sự thiếu vắng nguồn du khách khổng lồ từ Trung Quốc. Do đó, ngành du lịch của khu vực được dự báo sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới và chỉ có thể trở về mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2024.
Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho biết, từ 11/10, du khách Việt đã có thể đến Nhật Bản tự túc mà không cần đặt dịch vụ qua các công ty lữ hành.