Du lịch bụi “thụi” du lịch sinh thái

Chia sẻ Facebook
28/12/2023 08:03:32

Du lịch sinh thái, nói gọn lại là đi du lịch, đi chơi, đi để tự mình trải nghiệm, ngấm/ thấm vào mình những giá trị đặc biệt của sinh thái tự nhiên, do sinh thái tự nhiên mang lại.


Du lịch sinh thái ” là một loại hình du lịch được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây. (Có lẽ bởi chữ “sinh thái”, nó phản ánh mối quan tâm mang tính toàn cầu về một vấn đề sống còn của loài người trong cuộc cộng sinh với Trái đất, rộng hơn, với giới tự nhiên).

Xét cho cùng, đó chính là một cách để con người hiện đại – vốn thường xuyên nhốt mình ăn/ ngủ/ làm việc/ sinh hoạt trong những cái lồng đô thị ngột ngạt, ô nhiễm và đầy những tất bật lo toan - gột rửa bản thân, tái tạo sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Nhưng người ta đã và đang làm du lịch sinh thái như thế nào? Tôi hay xem các đoạn clip trên tivi về hoạt động của chỗ nọ chỗ kia gọi là “khu du lịch sinh thái”, và cũng tự mình đi vài chỗ, và để ý quan sát. Thì thấy hầu như đó là du lịch... bụi.

Nghĩa là, người ta tìm ra một không gian còn mang vẻ hoang dã tương đối, có tí đồi núi, rừng cây, suối nước, đồng ruộng, vườn tược – mà không/ chưa có thì dựng lên, thêm vào – rào giậu sơ sài, dựng lên vài khu lưu trú mang vẻ na ná “dân tộc” quê kiểng (kiểu nhà lá nếu ở đồng bằng và nhà sàn nếu ở miền núi) rồi gọi đó là “khu du lịch sinh thái”.

Khách du lịch đến đây muốn làm gì thì làm, tùy ý thăm thú chỗ nọ chỗ kia, chụp hình (ôi cái thú tuyệt vời thanh tao) thoải mái từ sáng đến tối. Nhiều “khu du lịch sinh thái” như thế, để tăng tính hấp dẫn cho công cuộc kinh doanh du lịch của mình, đã tổ chức/bày ra các hoạt động gọi là “trải nghiệm văn hóa bản địa”, theo kiểu đi cầu khỉ lắt lẻo, cùng nhau vầy bùn dưới ruộng để trồng lúa hoặc bắt cá, hoặc tự tay làm vài món ăn quê, và thế nào cũng có uống rượu đã đời rồi đốt lửa trại để “xòe”, nối vòng tay lớn.

Nhìn về đại thể, du lịch sinh thái đã có ở Việt Nam và cũng đã có những đơn vị thực hiện rất tốt (Ảnh minh họa)

Thật ra, nhắc lại thêm lần nữa, đó là du lịch bụi chứ không phải du lịch sinh thái. Hay, đó là du lịch sinh thái tự phát, tự phong. Du lịch sinh thái chỉ bằng cái tên chứ chẳng có giá trị sinh thái nào ở đấy cả. Và nếu quản lý không tốt, lại gặp du khách vào loại thiếu ý thức giữ gìn, thì rất nhanh thôi, chút yếu tố sinh thái còn sót lại ở những chỗ này cũng sẽ bị hủy hoại, tiêu biến sạch sẽ.

Vậy thế nào mới là du lịch sinh thái thực sự? Chưa có một định nghĩa thật chắc chắn, nhưng nói chung người ta vẫn có thể đồng thuận với nhau ở vài điểm.

Thứ nhất, du lịch sinh thái thích hợp nhất khi được thực hiện tại các công viên quốc gia, công viên địa chất toàn cầu, các vùng dự trữ sinh quyển  đã được công nhận (ở cấp quốc gia hoặc cấp thế giới). Giá trị sinh thái tự nhiên ở những nơi này là điều hiển nhiên, miễn bàn.

Thứ hai, những người kinh doanh du lịch sinh thái ở đây phải đặt ra nguyên tắc tối thượng: tự nhiên là trên hết. Muốn làm gì thì làm, tuyệt đối không xâm phạm, không gây tổn hại đến tự nhiên. Những công trình kiến trúc phục vụ du lịch sinh thái mà tập đoàn Flamingo dựng lên ở Đại Lải, một vùng bán sơn địa đặc thù, và ở vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển của thế giới, có thể xem là những ví dụ khá tiêu biểu.

Những công trình ấy được tính toán để không gây bất cứ xáo trộn nào đến địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên xung quanh. Chúng mang đầy đủ các công năng hiện đại nhưng vẫn giữ được tính “tự nhiên”, khớp với thiên nhiên như một mảnh ghép hợp lý. Để làm được như thế tất nhiên cần phải có đầu tư lớn. Nói chung, đây là một khía cạnh để thấy rằng du lịch sinh thái vốn là một loại hình du lịch tốn tiền, tốn công, không thể làm theo kiểu được chăng hay chớ.

Và thứ ba, những người làm du lịch sinh thái, ngoài sự tôn trọng sinh thái tự nhiên, phải biết chú ý đến khai thác các giá trị sinh thái văn hóa, tức các truyền thống bản địa về phong tục, tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ, cách tổ chức đời sống, các món ăn v.v...

Làng Tày có tên Thái Hải ở Thái Nguyên là một ví dụ tốt khi nói về phương diện này. Nó là địa điểm du lịch sinh thái, nhưng nó cũng là địa bàn mà một cộng đồng người Tày sinh sống nhiều đời nay. Du khách đến đây được lưu trú ở những ngôi nhà sàn lớn, đúng nguyên bản nhà sàn Tày thượng lưu, và nếu muốn thì họ có thể quan sát hoặc hòa mình vào với công việc hàng ngày của những người dân ở đây: làm ruộng, trồng và hái rau, giã gạo làm cốm, làm thuốc, nấu rượu, nhất là có thể tham gia các lễ Then lớn nhỏ nhiều màu sắc và rất “chuẩn Tày”.

Nhìn về đại thể, du lịch sinh thái đã có ở Việt Nam và cũng đã có những đơn vị thực hiện rất tốt, đạt hiệu quả cao, xét cả về việc bảo vệ sinh thái tự nhiên lẫn việc kinh doanh du lịch. Tuy nhiên những đơn vị như thế còn ít quá, nếu so với hàng hàng lớp lớp du lịch bụi giả danh du lịch sinh thái. (Du lịch bụi “thụi” du lịch sinh thái, tôi vẫn nghĩ như thế). Nghĩa là, cần phải có sự đánh dấu, phân loại rõ ràng, để du lịch sinh thái đúng là du lịch sinh thái, để môi trường sinh thái được bảo vệ tuyệt đối, và cả người kinh doanh du lịch lẫn du khách đều được hưởng lợi.

Chia sẻ Facebook