Dự kiến năm 2023, thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức xét tuyển
Dự kiến năm 2023, thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức xét tuyển
giảm bớt phương thức tuyển sinh có thể gây nhiễu hệ thống xét tuyển.
Tại cuộc họp giao ban quý 4 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm, ngày 30/11, Bộ GD-ĐT đưa ra báo cáo cho biết đang đề nghị các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng ít tác động đến thí sinh.
Dự kiến trong đợt thi THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh chỉ chọn nguyện vọng ngành nghề và không cần chọn phương thức xét tuyển đại học. Hệ thống xét tuyển sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp. Việc này được cho là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách thức xét tuyển.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức tuyển sinh không phù hợp, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như gây khó khăn cho thí sinh.
Bộ cũng đang cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh 2023, trong đó có thể xem xét không xét tuyển sớm như năm 2022, thực hiện xét tuyển chung một đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Về phần mềm xét tuyển, Bộ sẽ nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết để đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu nhầm lẫn trong quá trình đăng ký và xét tuyển.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, như xét tuyển qua phỏng vấn, kết hợp học bạ với phỏng vấn, thi văn hóa, thi năng khiếu, kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm học bạ… Trong đó, 2 phương thức chiếm tỷ lệ cao hơn so với các phương thức khác là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ.
Cụ thể, năm 2022, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có 261.190 chỉ tiêu và 245.040 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82%; chiếm 52,38% so với các phương thức xét tuyển khác. Phương thức xét học bạ có 224.042 chỉ tiêu và 169.537 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67%; chiếm 36,24% so với các phương thức xét tuyển khác.
Bộ này cho rằng có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Đặc biệt, khi nhìn phổ điểm, giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Việc có gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học trong năm vừa qua, theo Bộ GD-ĐT là do hạn chế của công tác tuyển sinh.
Nguyễn Quân
Hơn 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: Là bình thường hay đáng suy xét các nguyên do? "Đóng" cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học, cao đẳng năm 2022, có đến gần 35% tổng thí sinh không không nhập nguyện vọng.