Dự kiến chi phí hơn 3.900 tỷ đồng triển khai dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang, Bạc Liêu

Chia sẻ Facebook
03/10/2022 23:54:21

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận qua 2 tỉnh Kiên Giang - Bạc Liêu, nhằm góp phần cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận gồm 2 phân đoạn, với tổng chiều dài gần 52 km (đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư hai đoạn tuyến này khoảng hơn 3.900 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng hơn 2.700 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư là hơn 522 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là gần 230 tỷ đồng; chi phí dự phòng là gần 449 tỷ đồng.


Trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 - QL61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 - QL61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Công tác GPMB dự án được Bộ GTVT kiến nghị thực hiện theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe và tách thành các tiểu dự án theo địa giới hành chính các tỉnh và bàn giao cho các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện, với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng gần 96 ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 183 hộ, số hộ tái định cư khoảng 53 hộ.

Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67 - QL61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 - QL63) thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có quy mô đường cấp III, 4 làn xe.

Căn cứ dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến và nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư mặt cắt ngang quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, mặt đường rộng 11 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Do tính chất quan trọng của dự án và thực hiện Nghị quyết số 63/2022 của Quốc hội, lộ trình chuẩn bị dự án dự kiến thực hiện từ năm 2022; triển khai GPMB, tái định cư từ năm 2022 - 2023 phấn đấu cơ bản đạt 90% - 95% và thi công dự án từ năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Theo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL)1, đường Hồ Chí Minh đến Mũi Cà Mau. QL1 từ tỉnh Bạc Liêu đến thị trấn Năm Căn (Cà Mau) dài 69 km, phần lớn có quy mô đường cấp IV, với 2 làn xe. Còn đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi dài 59 km phần lớn có quy mô tương đương đường cấp V, chỉ đảm bảo 2 làn xe hạn chế (chưa đảm bảo 2 làn xe tiêu chuẩn). Trong khi lưu lượng giao thông trên tuyến ngày càng gia tăng nhanh, tập trung nhiều phương tiện trọng tải lớn, dẫn đến tình trạng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 từ TP Cà Mau đến Năm Căn đảm bảo quy mô 4 làn xe đang là vấn đề cấp thiết. Đối với đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi kiến nghị trước mắt nâng cấp, mở rộng đảm bảo quy mô 2 làn xe theo tiêu chuẩn, mặt đường rộng 11 m, nền đường rộng 12 m. Tiến độ thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ Facebook