Du khách thích thú với hình ảnh ánh sáng kỳ ảo xuất hiện trên đỉnh Fansipan
Hiện tượng "Phật quang" xuất hiện trước thềm lễ Phật đản trên đỉnh Fansipan khiến những người bắt gặp bất ngờ và thích thú.
Hiện tượng "Phật quang" xuất hiện trên đỉnh Fansipan vào 16h ngày 1/6, kéo dài khoảng 9 phút.
Một nhân viên cảnh quan tại Sun World Fansipan Legend chia sẻ, khi cán bộ nhân viên khu du lịch đang gấp rút chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản ngày 3/6 thì bất ngờ nhìn thấy "vầng ánh sáng kỳ ảo" mà dân gian hay gọi là "hiện tượng Phật quang".
Đặc biệt với sự kết hợp của ánh sáng cuối ngày và sương giăng, Tượng Phật A Di Đà in bóng ngay bên cạnh vầng ánh sáng tạo nên cảnh tượng kỳ ảo thu hút sự chú ý của du khách.
Chị Hoàng Thúy Ngân, Hà Nội chia sẻ: "Ngay khi mình và nhóm bạn đang chụp ảnh với hoa đăng mà khu du lịch chuẩn bị thì bất ngờ có người hô lớn. Nhìn ra phía bên cạnh thì thấy ánh sáng Phật quang kết hợp cùng sương tạo nên không gian vô cùng kỳ ảo. Hiện tượng này đối với mình thực sự kỳ diệu, đặc biệt ngay trước ngày Phật Đản dự kiến diễn ra ngày 3/6".
Dân gian quan niệm "Phật quang" là một hình thức "hiển linh" của Phật, được xem như điềm lành. Tuy nhiên, xét trên góc độ khoa học, "Phật quang" chỉ là một hiện tượng quang học.
Giải thích về hiện tượng này, TS. Lê Huy Minh, Viện Vật lý địa cầu- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam từng chia sẻ, hiện tượng này được tạo ra khi ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng đi qua các tinh thể băng bị khúc xạ hay phản xạ sinh ra những vòng tròn. Quầng mặt trời có 7 màu rực rỡ, nhìn đẹp và huyền ảo đến khó tin.
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, hiện tượng thời tiết này không có gì quá đặc biệt, nó thường xuất hiện vào thời điểm đầu và trong mùa hè.
Cũng theo ông Hải, quầng mặt trời là tín hiệu dự báo thời tiết cho biết thời gian tới ở khu vực Lào Cai sẽ không có mưa, thời tiết tiếp tục nắng nóng. "Thường chúng ta vẫn nói "trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa". Cách nói này cũng đúng với mặt trời", ông Hải thông tin.
Theo các nhà khoa học, quầng quanh mặt trăng thường tần suất xuất hiện nhiều hơn, còn quầng mặt trời rất hiếm gặp và được coi là hiện tượng thời tiết lý thú.
Hiện tượng "Phật quang" từng xảy ra trên đỉnh Fansipan, chủ yếu vào mùa mây, từ tháng 10 đến tháng 4. Hiện tượng xuất hiện 1-2 lần trong thời gian ngắn, thường khi có băng. Tháng 10/2022, "Phật quang" xuất hiện ngay trong lòng bàn tay bức tượng Đại Phật trên đỉnh Fansipan.
Năm 2021, "Phật quang" cũng từng được ghi nhận trên núi Ngũ Chỉ Sơn, khu vực ranh giới tự nhiên giữa Lào Cai và Lai Châu.