Du khách Mỹ đổ xô đi mua sắm tại các cửa hàng Paris khi Euro trượt giá
Trong tuần này, đồng Euro đã giảm xuống dưới 1 USD lần đầu tiên sau 2 thập kỷ.
Khách du lịch người Mỹ Shawna Wilson cho biết cô đã mua liền 4 chiếc váy tại trung tâm thương mại LVMH La Samaritaine ở thành phố Paris. Cô chia sẻ đồng Euro ngang giá với USD đã thúc đẩy cô mua sắm nhiều hơn.
Một năm trước, 1 Euro có giá khoảng 1,20 USD. Đến đầu năm 2022, Euro đã giảm xuống còn 1,13 USD. Kể từ đó, đồng Euro đã liên tiếp sụt giá, đỉnh điểm là một thời gian ngắn ngang giá với USD vào hôm 12/7 và thậm chí giảm xuống dưới 1 USD vào hôm 13/7.
Trong tuần này đã đánh dấu đồng Euro giảm xuống dưới 1 USD lần đầu tiên sau 2 thập kỷ. Nguyên nhân một phần do tác động từ xung đột Nga - Ukraine dẫn tới giá năng lượng tăng cao, nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, theo hãng tin Reuters.
Ông Sushanta Mallick, giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Queen Mary, London, chia sẻ với hãng tin Al Jazeera: " Lạm phát tại khu vực đồng Euro trong tháng 6 trung bình là 8,6%. Trong đó, 14 nền kinh tế tại khu vực đồng Euro đang trải qua lạm phát trên mức trung bình, lạm phát lên tới 22 % ở Estonia. Chỉ có 5 nền kinh tế khu vực đồng Euro ghi nhận lạm phát thấp hơn mức trung bình này".
Giáo sư Sushanta Mallick nói thêm: "N ền kinh tế Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Ukraine hơn so với châu Âu. Cho đến nay, Mỹ vẫn phần nào miễn nhiễm với sự biến động của thị trường dầu khí bởi có nguồn dự trữ dầu và các nguồn năng lượng thay thế. Điều này giải thích nguyên nhân đồng USD lại tăng giá so với đồng Euro”.
Bà Wilson, 49 tuổi đến từ bang Colorado, Mỹ, đã mua 2 chiếc váy cho con gái khi đi du lịch châu Âu. Bà cho biết: "Đ ồng Euro và đồng USD trở nên ngang giá đã khuyến khích chúng tôi chi tiêu nhiều hơn".
Theo các nhà phân tích từ hãng dịch vụ tài chính Barclays (Anh), đồng Euro yếu là một yếu tố lớn thu hút khách du lịch, đặc biệt là người Mỹ. Du khách đến từ Mỹ được xem như động lực tăng trưởng chính đối với lĩnh vực hàng cao cấp của châu Âu trong quý II vừa qua.
Các nhà phân tích tại hãng dịch vụ tài chính UBS (Thụy Sĩ) cho rằng đồng USD mạnh so với đồng Euro đã góp phần thúc đẩy chi tiêu du lịch ở châu Âu trong tháng 6/2022 tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với phần lớn sự gia tăng chi tiêu đến từ du khách Mỹ.
Lĩnh vực kinh doanh hàng hóa cao cấp đang phục hồi nhanh chóng từ đại dịch. Trong thời gian bị phong tỏa chống dịch, người dân đã tiết kiệm được một khoản tiền và giờ đây họ gia tăng mua sắm khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Hưởng lợi từ đồng Euro yếu, du khách từ Mỹ đang gia tăng chi tiêu giúp châu Âu bù đắp phần doanh thu bị mất bởi lượng khách Trung Quốc sụt giảm. Khách hàng Trung Quốc vốn là nguồn quan trọng thúc đẩy doanh số bán hàng cao cấp ở châu Âu trước khi đại dịch bùng phát.
Các công ty hàng cao cấp như Richemont (CFR.S) và Burberry hôm 15/7 đã báo cáo doanh số bán hàng cao hơn ở khu vực châu Âu, giúp bù đắp mức sụt giảm hơn 30% ở khu vực Trung Quốc.
Pháp là một trong các quốc gia châu Âu được hưởng lợi nhiều nhất từ việc khách du lịch gia tăng chi tiêu. Các nhà phân tích của hãng dịch vụ tài chính UBS cho biết doanh số bán hàng cho khách du lịch ở Pháp trong tháng 6 đã tăng khoảng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch).
Theo ghi nhận của Reuters, vào tuần này các du khách Mỹ đã tập trung đông đúc tại Đại lộ Montaigne (Paris), mua sắm trong các cửa hàng sang trọng bao gồm cả những nhà thiết kế tên tuổi như Louis Vuitton, Chanel và Gucci.
Du khách Cheryl Penn, 70 tuổi làm nghề môi giới bất động sản đến từ thành phố Delray Beach, bang Florida (Mỹ), chia sẻ đã mua cho mình một chiếc váy và nhiều bộ quần áo trẻ em cho cháu gái.
Bà Penn nói: “Chúng tôi đến Đại lộ Montaigne và bắt đầu mua sắm. Tôi rất vui khi đồng Euro và đồng USD ngang giá nhau, tôi biết chính xác mình đang chi tiêu những gì”.
Chia sẻ với hãng tin Reuters hồi tháng 5 vừa qua, hãng thời trang cao cấp Chanel đến từ Paris cho biết có thể sẽ tăng giá hơn nữa vào tháng 7 để ứng phó với lạm phát và các biến động tiền tệ, đặc biệt là sự suy yếu của đồng Euro.
Paris luôn có một sức hút mạnh mẽ đối với những người mua sắm Mỹ, mặc dù trên các đường phố mua sắm cao cấp của thành phố New York cũng có rất nhiều thương hiệu thiết kế sang trọng đến từ châu Âu.
Chia sẻ với hãng tin Reuters khi đang đứng bên ngoài cửa hàng lớn của Gucci tại Đại lộ số 5, New York (Mỹ), cô Jennifer Tumpowski cho biết “Hơn bao giờ hết, rất nhiều người bạn của tôi đang có những chuyến đi ngắn dịp cuối tuần đến Paris và những nơi khác để mua sắm" .
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Aljazeera)