Du khách đến Tiền Giang chuộng khám phá các ngôi nhà cổ mang đậm giá trị lịch sử - văn hoá
Tuy Tiền Giang là một tỉnh có diện tích không lớn nhưng chứa nhiều nét đẹp từ thiên nhiên đến công trình kiến trúc đậm văn hoá thu hút khách du lịch.
Hành trình du lịch Tiền Giang theo "tour" khám phá các ngôi nhà cổ quen thuộc với dân bản địa sẽ vô cùng mới lạ thậm chí với những ai đã từng du lịch miền Tây. Lần lượt tham quan các ngôi nhà lâu đời mang nhiều câu chuyện lịch sử, du khách sẽ có cảm giác như được ôn lại một thời mà mình chỉ được nghe thoáng trong sách sử, tâm đắc nhiều chi tiết chưa nghe ai kể hay nói cho hay.
Nhà Đốc phủ Hải
Địa chỉ: 49 Hai Bà Trưng, Phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Nhà Đốc phủ Hải có lối kiến trúc vừa hiện đại của người Pháp, vừa cổ kính của thời phong kiến xưa vì mang nhiều câu chuyện liên quan tới đại thần Phạm Đăng Hưng trong lăng mộ Hoàng Gia cách Nhà Đốc phủ Hải vài cây số, tới Hoàng Thái hậu Từ Dũ của triều đình Huế và thủ lĩnh nghĩa quân, anh hùng dân tộc Trương Định. Bề ngoài được xây dựng theo kiến trúc Roman, nội thất chủ yếu bằng gỗ mun điêu khắc tinh xảo và được cẩn xà cừ, viết chữ Nho. Có hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ + 70 cổ vật có trong nhà. Du khách đổ xô ghé thăm chính vì muốn cảm nhận được cuộc sống vương giả thời địa chủ phong kiến sẽ như thế nào.
Nhà này là nơi ở của bà Trần Thị Sanh, con gái của Bá hộ Trần Văn Đổ và Phạm Thị Phụng. Bà Phụng là em gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng – thân sinh của Hoàng Thái hậu Từ Dũ. Khi bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định) vào chùa quy y, bà để lại ngôi nhà cho con riêng của bà là Dương Thị Hương và con rể là Tri huyện Trường Bình, nên nơi đây thường gọi là nhà Bà Huyện.
Vào khoảng năm 1880-1885, Tri huyện Trường Bình dưỡng già ở đây. Sau ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc Phủ Hải. Ban đầu năm 1860, nhà được xây dựng có hình chữ Đinh, sau khi tu bổ thì ngày nay nhà có 3 ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông - nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).
Đây là 1 trong chuỗi 3 di tích nổi tiếng liên quan mật thiết nhau nên tham quan: lăng Hoàng Gia, mộ và đền thờ Trương Định cùng tòa nhà Đốc Phủ Hải.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công
Địa chỉ: Nằm trên đường Nguyễn Văn Côn, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Nếu nhà Đốc phủ Hải được coi là tư gia lớn nhất, thì Dinh tỉnh trưởng lại là trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất ở Gò Công. Dinh thự tỉnh trưởng là một ngôi nhà hai tầng với tổng diện tích là 1400m2, nằm đồ sộ trong một khuôn viên rộng rãi, rất nhiều cây.
Công trình này được xây dựng với tường dày gần 0.5m được người Pháp xây dựng năm 1885. Gần đây tòa nhà trở nên khá nổi tiếng được nhiều bạn trẻ địa phương và khách du lịch lui tới tham quan, check-in.
Ở Dinh tỉnh trưởng có một góc ăn điểm nhất chính là giàn cây tạo thành vòm, nếu ghé vào buổi nắng đẹp, cảm giác như đang ở trong một biệt thự cổ điển xa hoa. Nhìn bên ngoài thôi cũng có thể thấy ngôi nhà có kiến trúc phương Tây rất đẹp, bức tường vàng, những ô cửa sổ lớn. Thế nhưng giờ lại lộ nhiều viên gạch đỏ, cây phủ um tùm, có dáng vẻ tiêu điều của một thời đại đã cũ. Công trình đẹp và cổ kính trên 130 năm tuổi là một trong những ngôi nhà mang nhiều giá trị văn hoá xưa của Gò Công.
Nhà Bạch công tử
Địa chỉ: 62 Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Nhà Bạch công tử Lê Công Phước được xây dựng vào năm 1925 – 1926 với tổng diện tích 322 m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000 m2. Lúc sinh thời ông Lê Công Phước được mệnh dạnh là "ông hoàng ăn chơi", nổi tiếng giàu có khắp Nam kỳ lục tỉnh những năm đầu thế kỷ 20. Người ta đặt biệt danh cho ông là "Bạch công tử" vì ông có ngoại hình thư sinh, nước da trắng, phong thái ung dung, cao ngạo nhưng đĩnh đạc. Đồng thời cũng để phân biệt ông với một công tử khét tiếng giàu có ăn chơi khác là "Hắc công tử" Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu).
Chính vì có một khoảng thời gian du học tại Pháp nên nhà của ông mang một kiến trúc "sính" Tây. Toàn bộ hệ thống kèo đều làm bằng gỗ quý, nhà có tới 8 mái lợp bằng ngói vảy cá. Tường thì dày 20 cm, bó nền bằng gạch thẻ, ốp đá da quy, nền lót gạch bông. Trên vòm cửa chính và các vòm cửa hai bên đều được chạm nổi, chạm lọng tinh xảo rồng, phượng, chim, thú và hoa lá.
Ông Lê Công Phước từng lập gánh cải lương vừa kinh doanh vừa để lấy tiếng nhưng một thời gian sau gánh hát thua lỗ. Ông túng đến mức phải bán tài sản, rồi bán nốt căn nhà của mình, lao vào nghiện ngập đến lúc chết. Khi mất, ông được an táng trên miếng đất vốn từng là của mình. Không ai ngờ rằng một người giàu có nhất vùng lại mất khi chẳng có gì trong tay, mồ cũng được vun đất tạm bợ.
Sau này, khi nhà Bạch Công tử được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh thì đã được phục dựng các đồ vật như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ, các tiểu cảnh,... và trồng thêm cây xanh để có dáng vẻ "sang trọng" lúc ban đầu. Ngôi nhà đã gần 100 năm nhưng vẫn nguyên nét đẹp kiến trúc của giai tầng giàu có xưa. Nơi đây được xem là một trong những ngôi nhà cổ thu hút khách du lịch nhất.
Lăng mộ Hoàng Gia Gò Công
Địa chỉ: Nằm tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), ngày nay thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Đây là nơi thờ tự và lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng, có ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Di tích Lăng Hoàng Gia có kiến trúc mang đậm phong cách cung đình Huế, nằm uy nghi và nghiêm nghị giữa một vùng đất thanh bình.
Cổng vào được xây theo lối tam quan cách điệu, trên mái lợp ngói lưu ly, đỉnh chạm trổ tượng mang hình ảnh "lý ngư vọng nguyệt" (cá chép trông trăng) thể hiện cho sự thanh cao của chủ nhân. Điểm đặc biệt của lăng là sử dụng hoàn toàn gỗ để xây dựng, không dùng đinh để gắn kết các các thanh gỗ, kèo, cột mà được đục tra vào nhau một cách chính xác.
Làng cổ Đông Hoà Hiệp
Địa chỉ: Thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long.
Vào thế kỷ thứ XVIII, năm 1732 thời Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Trong 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ (1732-1757), làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan và đại địa chủ sinh sống. Chính vì vậy các ngôi nhà được xây bằng các loại gỗ quý có mái lợp ngói, theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây vừa cao vừa rộng. Nhà được nằm ở vị trí lý tưởng: bên cạnh dòng sông, có vườn cây ăn trái... vì vậy làng này có diện mạo vô cùng nổi bật.
Những nhà vườn cổ xưa này đã tồn tại trên 150 năm, nối với nhau trong bán kính khoảng 2km nên du khách có thể đi bộ tham quan quanh làng. Làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ấp, với gần 4.000 hộ gia đình, kinh doanh vườn cây ăn trái như xoài cát, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa… và các nghề thủ công truyền thống như làng cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa…