Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc: Nhà bán hầm là 'ác mộng', làm xuyên mùa hè để đủ tiền phòng và học phí
"Đặc trưng của việc thuê nhà bên Hàn là tiền cọc nhà rất cao, nên nhiều khi nhà rất ổn, giá thuê tốt nhưng tiền cọc cao quá cũng không thuê nổi" - chị Ngọc Vy, 28 tuổi, hiện đang học tập và làm việc tại Seoul cho biết.
Du học Hàn Quốc hiện là mục tiêu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Không chỉ là nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á và thứ 10 trên thế giới năm 2021, xứ sở Kim Chi cũng nổi tiếng với nền giáo dục tiên tiến và phát triển với 39 trường đại học nằm trong Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds.
Chưa kể, đất nước Đông Bắc Á cũng nổi tiếng với cảnh đẹp, sự cuốn hút về văn hóa và lối sống được truyền tải qua các ấn phẩm phim ảnh và âm nhạc. Với vị trí khá gần Việt Nam (chỉ khoảng 4-5 giờ bay thẳng), và chi phí thấp hơn nhiều nền giáo dục top đầu, không khó hiểu khi Việt Nam hiện là quốc gia có số du học sinh đông thứ 2 tại quốc gia này, với khoảng 38.000 người năm 2020.
Nhưng không có nghĩa việc du học ở nước này không gặp khó khăn. Trái lại, kể cả khi có học bổng, tiền học phí một số chương trình tại Hàn vẫn khá cao, khiến các sinh viên Việt Nam phải tận dụng hết thời gian không đi học và thậm chí cả kỳ nghỉ hè để tiết kiệm mới đủ trang trải.
Hiện thì mình làm thêm 2 công việc đều là làm ở quán ăn hết. Một công việc trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu khoảng 5 tiếng từ chiều đến tối, một công việc làm vào chủ nhật full ngày 12 tiếng.
Một tháng nếu với 2 công việc mình đang làm hiện nay thì thu nhập trung bình của mình vào khoảng 1tr5 - 1tr6 KRW (khoảng 26 triệu - 27,6 triệu đồng) thôi. Do tính chất ngành học và trường mình, tuy học thạc sĩ nhưng lịch học rất kín và bài tập nhiều nên mình không thể đi làm nhiều hơn nữa.
Thu nhập như vậy mỗi tháng mình cũng chỉ vừa đủ chi tiêu sinh hoạt từng tháng, hoạ may tiết kiệm để dành được một ít thôi chứ không đủ cho học phí kì học tiếp theo
Theo số liệu của Statista, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch, mức lương trung bình của người lao động tại Hàn Quốc vẫn tăng khá đều từ 2,81 triệu KRW (48,5 triệu đồng/tháng) năm 2019 lên 2,97 triệu KRW (51,2 triệu đồng)/tháng.
Mức thu nhập của chị Vy đã được đánh giá ở mức khá so với công việc làm part-time ở nhà hàng, tuy nhiên vẫn phải tính toán và cân nhắc rất nhiều để có thể đủ chi phí trang trải sinh hoạt và học phí. Hiện chị Ngọc Vy đang sinh sống và học tập tại Seoul và theo học chương trình thạc sĩ khoa Thông biên dịch Hàn - Việt của trường IGSE (International Graduate School of English).
"Yếu tố quan trọng đầu tiên: Không phải nhà BÁN HẦM"
Với thu nhập khoảng 1,5 - 1,6 triệu KRW/tháng, chị Vy phải lo cả tiền sinh hoạt phí và học phí mà không nhờ hỗ trợ của gia đình.
Học phí chính thức của ngành mình là 5,6 triệu KRW (96,5 triệu đồng)/học kỳ 3 tháng, sinh viên nước ngoài nếu có bằng chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK4 trở lên (thật ra thì đây cũng là điều kiện đầu vào bắt buộc nên SV Việt Nam nào cũng được học bổng này) thì được giảm 35% học phí (ngoài ra mỗi kỳ học còn có học bổng thành tích, cao nhất được giảm thêm 1,2 triệu).
Mình không có nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, trong năm như mình nói là tiền làm thêm sẽ không đủ đóng học phí, nên là mỗi khi tới kì nghỉ 3 tháng mình sẽ tranh thủ đi làm full để cày tiền học phí nên cũng ổn
Trong đó, một chi phí đáng kể mà sinh viên thạc sĩ này phải bỏ ra là tiền thuê nhà. Chị Ngọc Vy thẳng thắn chia sẻ, " Yếu tố quan trọng đầu tiên với mình lúc đi tìm nhà là: không phải nhà BÁN HẦM ".
Nhà bán hầm hay "banjiha" trong tiếng Hàn là một "đặc trưng" ở thủ đô Hàn Quốc. Sở hữu vị trí đúng như cái tên, những căn nhà này thường nằm dưới chân các tòa nhà với một phần cửa rất hẹp hướng lên mặt đường. Đánh đổi cho vô số bất tiện như không gian chật hẹp, ẩm thấp và đặc biệt phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa.
Mặc dù may mắn "tai qua nạn khỏi" khi ở khu vực ít bị ảnh hưởng trong trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 8 vừa rồi, nhưng trước đó chị Vy từng dành tới 6 tháng ở nhờ một người bạn tại loại nhà như vậy và phải chuyển đi vì "mình cảm thấy ngột ngạt quá không thể chịu được".
" Bản thân mình thích ánh sáng tự nhiên, ánh nắng mặt trời, nhưng nhà bán hầm thì không hề có một tia nắng nào có thể lọt vào ", nếu may mắn mới có thể tìm được một căn nhà có hướng đón ánh nắng để đủ sáng sủa.
Yếu tố quan trọng đầu tiên với mình lúc đi tìm nhà là: không phải nhà BÁN HẦM
Chính vì lý do đó, chị Vy quyết định chọn một căn phòng dạng cho thuê ở chung với người dân trên mặt đất. Với đa số các sinh viên và người đi làm tại Thủ đô Seoul, sự tiện lợi về đi lại có lẽ cũng nằm trong số ưu tiên hàng đầu và chị Vy cũng không ngoại lệ.
Mình đang ở khu trường đại học Konkuk University, khu này giá thuê nhà hiện đang khá cao, nhưng do xung quanh đây rất tiện lợi, không phải sát trường mình nhưng có 1 chuyến bus đi thẳng tới trường mình chỉ mất 25 phút, thêm nữa từ lúc lên Seoul mình cũng ở khu này quen rồi nên mình vẫn tiếp tục tìm nhà ở đây
Hiện chị Vy đang ở riêng với mức giá thuê phòng khoảng 430 -450 nghìn KRW (khoảng 7,4 đến 7,8 triệu đồng)/tháng (mùa đông cao hơn do bật sưởi) và ở riêng. Tính ra, tiền thuê nhà sẽ chiếm khoảng 30% thu nhập mỗi tháng.
Chưa kể, tiền cọc nhà của chị Vy là 5 triệu KRW (tương đương khoảng 12 tháng tiền nhà). Đổi lại, căn phòng khá đầy đủ tiện nghi với máy giặt, hệ thống sưởi, tủ lạnh, điều hòa và bếp hồng ngoại. Có điều, diện tích chỉ khoảng 12m2 nên khó có thể ở chung thêm người khác được.
Ngoài những yếu tố trên, chị Vy chia sẻ chỉ có 1 bất tiện duy nhất là vấn đề giao hàng.
Vì nhà mình là căn nhỏ trong một căn nhà dân to, chủ nhà chia phòng ra rồi thuê nên cửa chính hướng thẳng ra mặt đường. Mà bên đây thông thường mình mua đồ online thì shipper sẽ để đồ trước cửa nhà cho mình rồi đi, nhưng do nhà mình nó ngay mặt đường nên nhiều khi họ giao đến không biết để đâu họ luôn phải gọi mình, rồi không dám để ngoài đường.
Những lúc đó thì phải chỉ họ 1 là cho họ mật khẩu nhà vào để (nếu là đồ quan trọng), 2 là chỉ họ để trước cổng nhà chính ". Ngoài việc đó, với mức giá và điều kiện như vậy chị Vy cho rằng mình rất hài lòng.
Theo đánh giá của chị Vy sau khi tham khảo qua các công ty bất động sản, mức giá như vậy ở khu vực gần trung tâm như Đại học Konkuk là "rất ổn". Tất nhiên, sẽ có những loại nhà giá rẻ hơn, chỉ từ 1-3 triệu KRW tiền cọc nhưng sẽ rất nhỏ hoặc là nhà bán hầm.
Theo tìm hiểu, giá thuê phòng studio hay "one-room" tại Seoul cũng dao động từ trung bình 200 nghìn tới 500 nghìn KRW/tháng.
Tiền thuê nhà "khá dễ thở" nếu không tính khoản đặt cọc
Thử làm phép tính, với 5 ngày làm việc part-time 5 giờ và một ngày làm 12 giờ mỗi tuần, chị Vy chỉ cần bỏ ra chưa tới 40 giờ mỗi tháng để có căn hộ khá ưng ý (chưa kể tiền cọc).
Để so sánh, mới đây trang CNBC đưa tin theo một cuộc khảo sát do United Way of the National Capital Area thực hiện, theo đó tại các thành phố lớn ở Mỹ, người lao động hưởng lương tối thiểu phải bỏ khoảng hơn 50 giờ làm việc mỗi tuần để thuê một căn hộ 1 phòng ngủ. Cá biệt, ở thành phố có mức sống cao như New York (có thể so sánh với Seoul tại Hàn Quốc), con số giờ làm cần bỏ ra để thuê nhà là 111 giờ/tuần.
Dù rất khó so sánh do điều kiện thu nhập và mức sống khác nhau, tại Việt Nam, với mức giá gần 8 triệu đồng và vị trí tương đương khu vực của Đại học Konkuk - nơi tập trung nhiều trường đại học và cách trung tâm khoảng hơn 10 cây số có thể so sánh với quận Hà Đông, Hà Nội - người đi thuê có thể chọn các căn hộ 2-3 phòng ngủ diện tích từ 70-80m2 đầy đủ nội thất.
Còn với vị trí tương tự tại TP.HCM là quận Gò Vấp, mức giá 7-8 triệu đồng có thể thuê những căn hộ chung cư studio gần trường đại học, có ban công và bếp riêng từ 30 đến 35m2 tới 65m2.
Tại Nhật, một quốc gia gần Hàn Quốc, mức giá thuê nhà ở thủ đô Tokyo nhìn chung cũng đắt hơn nếu tính theo thu nhập. Theo đó, giá thuê phòng studio khoảng 10m2 bao gồm đủ nhà bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh sẽ có giá khoảng 60.000 JPY/tháng, tương đương gần 60 giờ đi làm với mức lương cơ bản ở thành phố này.
Có thể thấy, dù có tiếng là mức sống cao, nhưng giá nhà cho sinh viên tại thủ đô Hàn Quốc vẫn khá "dễ chịu" nếu so với thành phố lớn ở các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản hay Mỹ. Tất nhiên một khuyết điểm lớn là tiền cọc nhà khá cao (tương đương 1-2 năm tiền thuê nhà) so với chỉ 1-2 tháng tiền thuê như ở Nhật.
*Danh tính nhân vật đã được thay đổi
Nguồn ảnh: NVCC