Du học sinh tốt nghiệp tại LB Nga về nước có nhiều đóng góp quan trọng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh điều này tại buổi tiếp đoàn công tác đến từ Liên bang Nga ngày 29/11.
Đoàn công tác gồm các đại diện từ Học viện Ngoại thương toàn Nga (VAVT); Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) và Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam. Ông Sinelnikov-Murylev, Giám đốc VAVT làm trưởng đoàn.
Gửi lời cảm ơn Bộ GDĐT Việt Nam đã trọng thể đón tiếp đoàn công tác Liên bang Nga, ông Sinelnikov-Murylev nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên cũng như các chương trình nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong việc đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu.
Ông Sinelnikov-Murylev khẳng định luôn chú trọng tới quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước, đồng thời chia sẻ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía Bộ GDĐT nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai bên.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam, ông Sinelnikov-Murylev cho biết Học viện Ngoại thương toàn Nga và Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga đã ký kết biên bản ghi nhớ với trường Đại học Ngoại thương.
Trao đổi tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gửi lời cảm ơn Chính phủ Nga đã hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid-19 cũng như luôn quan tâm tới giáo dục Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết hiện nay số lượng du học sinh Việt Nam hiện đang học ở Liên bang Nga theo diện Hiệp định do Bộ GDĐT quản lý có 2647 người, gồm 526 tiến sĩ, 243 thạc sĩ, 1845 đại học, 33 thực tập tại hơn 180 cơ sở đào tạo của Liên bang Nga. Nhiều du học sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc (bằng đỏ) được chuyển tiếp lên học trình độ cao hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh du học sinh tốt nghiệp tại Liên bang Nga về nước đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như: triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; kinh nghiệm trong tự chủ đại học; đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu khoa học; ký kết hợp tác giữa các trường đại học,…
Theo báo cáo của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT, quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nga từ lâu đã được thể hiện bằng nhiều văn bản thoả thuận trong lĩnh vực GDĐT còn hiệu lực như: Hiệp định giữa Bộ GDĐT Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục ký ngày 24/6/2005; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đào tạo công dân Việt Nam trong các cơ sở giáo dục đại học liên bang của Liên bang Nga ký ngày 12/11/2013; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc công nhận và về sự tương đương của các văn bằng về giáo dục và học vị khoa học ký ngày 15/3/2010.