Du học hết hàng tỷ lương lẹt đẹt, tiền bố mẹ đầu tư cho khó kiếm lại
Chi phí để 1 người đi học tập tại nước ngoài không phải rẻ, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, không phải du học sinh nào cũng kiếm được nhiều tiền sau đó.
Các thành viên của group Cột sống Gen Z gần đây thường xuyên bàn luận về vấn đề du học. Không chỉ hiện tại mà từ trước tới nay, đây vẫn luôn là chủ đề hot được nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm. Trong đó, câu chuyện của bạn Hà Anh (23 tuổi) khiến tôi đặc biệt chú ý. Hà Anh chia sẻ rằng: "Mình du học từ năm lớp 10, đã tốt nghiệp trường đại học chuyên ngành Kế toán tại Mỹ. 7 năm học tập tại nước ngoài, bố mẹ đã đầu tư cho mình số tiền không nhỏ lên đến hàng tỷ đồng. Sau khi về nước, mình xin được vào một công ty với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng. Tự nhiên cảm thấy hoang mang, không biết khi nào mới có thể kiếm lại tiền tỷ bố mẹ đầu tư cho".
Câu chuyện của Hà Anh có lẽ không phải cá biệt, và cũng là câu hỏi lớn với nhiều du học sinh, các phụ huynh. Du học chưa bao giờ rẻ và ngưng tốn kém. Bố mẹ đầu tư cho con cơ hội ra nước ngoài học tập với hy vọng con có tương lai tươi sáng. Nhưng không phải ai đi du học về cũng nhanh chóng thành công, lương cao ngất ngưởng.
Du học mất 3 - 4 tỷ, về nước làm nhân viên văn phòng lương 7, 8 triệu
Cũng là một du học sinh về nước giống như Hà Anh, Tùng Dương - một độc giả quen thuộc của YAN chia sẻ rằng anh chàng đang bế tắc về công việc và mức lương hiện tại của mình: "Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại một đại học ở Hà Lan, mình về nước với hy vọng tìm được công việc ổn định, lương cao. Thế nhưng thực tế phũ phàng. Mình nộp hồ sơ ở nhiều nơi, lương khởi điểm đa số là 7, 8 triệu, chỗ nào làm 2, 3 tháng cũng nghỉ vì cảm thấy không phù hợp. Dù gia đình cũng có điều kiện nhưng thấy mình cứ loay hoay tìm việc phù hợp, bố mẹ mình cũng không yên tâm."
Quá sốt ruột khi con trai đi du học về những mãi không tìm được việc làm như ý, bố mẹ Tùng Dương thậm chí còn định xin việc hộ con. Điều này khiến cho anh chàng cảm thấy không thoải mái: "Đi học hơn 4 năm, tiêu hết của bố mẹ gần 3, 4 tỷ đồng mà về nước mãi chưa đạt được thành tựu, vẫn khiến bố mẹ phiền lòng làm mình thực sự chạnh lòng".
Có một điều chắc chắn, trừ những bạn có học bổng toàn phần, còn lại, dù học tự túc hay học bổng bán phần thì số tiền gia đình phải bỏ ra cũng không hề nhỏ. Đối với nhiều du học sinh, họ nóng lòng muốn tìm một công việc lương cao để phù hợp với tấm bằng mà mình đang có. Thế nhưng, thị trường lao động vốn là cuộc chiến khốc liệt. Việc bạn tốt nghiệp từ trường danh tiếng ở nước ngoài, bạn vẫn phải cạnh tranh với hàng nghìn người khác vì hiện nay cũng không thiếu người du học trở về. Các vị trí được trả lương cao cần quá trình nỗ lực, do đó, việc một du học sinh nhận mức lương không như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu.
Biết khi nào kiếm lại được tiền tỷ bố mẹ đã đầu tư cho con?
Đây có lẽ là câu hỏi lớn với nhiều du học sinh, vấn đề nan giải mà nhiều người đang vất vả đi tìm đáp án. Đa số những gia đình cho con đi du học tự túc đều có điều kiện, họ sẵn sàng tiêu tốn số tiền khổng lồ vì tương lai con. Thế nhưng, dù có dư dả tài chính, bố mẹ cũng mong muốn con có thể ổn định tương lai với những kiến thức đã học được. Thấy con loay hoay với tấm bằng nước ngoài nhiều phụ huynh cũng "đứng ngồi không yên". Dù vậy, đứng từ phía bố mẹ, họ không cần con cái phải kiếm lại được số tiền mình đã bỏ ra. Đầu tư cho tương lai của con luôn là điều bố mẹ không hối hận.
Đứng từ phía người đi học, "cái mác" du học sinh "quá nặng" khiến họ không chấp nhận được mức lương khởi điểm thấp so với kỳ vọng. Nhưng rõ rằng nếu bạn không chấp nhận thực tế, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc đua. Ở thời điểm người người nhà nhà đều đi du học, sinh viên trong nước cũng rất tài năng, thị trường lao động không thiếu những người như bạn. Thay vì bỏ cuộc, hãy cố gắng nỗ lực chờ thời cơ để vươn lên.
Có câu nói rằng: "Đầu tư vào con người là khoản đầu tư không bao giờ lỗ". Khi đã đầu tư cho việc học, hãy tính đến việc bạn thu được giá trị, bài học gì, đừng quá tính toán về câu chuyện lãi lỗ. Quần áo, nhà cửa, xe cộ rồi cũng sẽ cũ đi, nhưng kiến thức, kỹ năng, giá trị văn hóa của một con người sẽ không hao mòn theo thời gian. Kiến thức, trải nghiệm khi đi du học bạn có được là vô giá, không thể định lượng được bằng tiền.
Thực trạng nhiều du học sinh về nước làm việc với mức lương không như kỳ vọng không phải ít. Thị trường lao động luôn khốc liệt, ai cũng phải xuất phát từ đầu và hành trình ấy không tránh khỏi gian nan. Dù đã bỏ ra số tiền lớn chưa biết khi nào "hồi lại", nhưng khi đã đầu tư cho tri thức và học tập đó sẽ là những giá trị tồn tại mãi mãi.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !