Dự đoán lỗ thủng tầng ozone sẽ đóng lại trong 50 năm tới
Nghiên cứu mới của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã phát hiện ra rằng nồng độ các hóa chất độc hại gây hại cho tầng ozone đã giảm xuống.
Tầng ozone của Trái đất bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta khỏi bức xạ có hại của mặt trời.
Vào cuối thế kỷ 20, việc con người thải ra một số hóa chất gây hại nhất định bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng phân tử ozone trong khí quyển. Điều này đã dẫn đến một lỗ hổng mở ra trên Nam Cực hàng năm do các quá trình khí tượng và hóa học phức tạp gây ra.
Vào năm 1987, chỉ 7 năm sau khi các nhà khoa học phát hiện ra các hóa chất nhân tạo đang làm hỏng tầng ozone, Nghị định thư Montreal đã được ký kết nhằm nỗ lực hạn chế lượng hóa chất độc hại trong khí quyển.
Các hóa chất được tìm thấy trong tủ lạnh, máy điều hòa không khí, keo xịt tóc và các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp... bắt đầu được loại bỏ dần để bảo vệ tầng ozone. Nhận được sự nhất trí của tất cả 197 quốc gia, đây là một trong những hiệp ước được phê chuẩn toàn cầu đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc.
Vào đầu năm 2022, các nhà khoa học của NOAA phát hiện ra rằng nồng độ các hóa chất độc hại đã giảm hơn 50% ở tầng giữa của tầng bình lưu so với những năm 1980. Các nhà khoa học tại NOAA cho biết, đây là một "cột mốc quan trọng" trên con đường phục hồi tầng ozone.
Tuy nhiên, sự phục hồi của tầng ozone không phải là một "kết quả cuối cùng", vì nồng độ trong khí quyển của các hóa chất gây hại này cần tiếp tục giảm.
Nồng độ của những hóa chất này trên Nam Cực, nơi xuất hiện một lỗ thủng hàng năm, cũng đang giảm xuống nhưng với tốc độ chậm hơn.
Lỗ thủng này lớn hơn bình thường, lớn hơn kích thước của chính Nam Cực, vào năm 2021. NOAA dự đoán rằng tầng ozone ở Nam Cực cuối cùng có thể phục hồi "vào khoảng năm 2070".
Cho đến khi nó đóng lại, Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) đang tiếp tục theo dõi lỗ hổng này. Lỗ thủng tầng ozone thường bắt đầu hình thành vào mùa xuân ở Nam bán cầu, từ tháng 8 đến tháng 10, đạt đến kích thước tối đa trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến tháng 10, sau đó trở lại bình thường vào cuối tháng 12.
Năm nay, các nhà khoa học CAMS đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của lỗ thủng kể từ cuối tháng 8 bằng cách sử dụng mô hình ba chiều.
Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Copernicus cho biết: "Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực trong năm 2022 bắt đầu phát triển vào cuối tháng 8 và cho đến nay đã theo xu hướng tương tự từ thập kỷ trước về diện tích, tổng cột tối thiểu, thâm hụt khối lượng (khối lượng đã bị tách khỏi trung tâm của một thiên hà) và nhiệt độ tối thiểu".
"Theo dữ liệu của chúng tôi từ đầu tháng 9, kích thước của lỗ thủng ozone nằm trong phạm vi trung bình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ trong vài tuần tới vì các lỗ thủng tầng ozone trong năm 2020 và 2021 chỉ bắt đầu trở nên đặc biệt sau này".