Dù đã giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô vẫn nhuốm màu xám xịt
Thị trường ô tô vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc dù chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đã chính thức được áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Trong bối cảnh thị trường ô tô đang phải trải qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã được nhận “phao cứu sinh” khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Hy vọng cứu cánh của doanh nghiệp
Theo nội dung Nghị định 41/2023/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 1/7/2023 (thời điểm Nghị định chính thức có hiệu lực) đến hết ngày 31/12/2023: Mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm trở lại đây, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được ban hành.
Theo Bộ Công thương , trong các năm 2020 và 2022, trước sự sụt giảm của thị trường ô tô do tác động của đại dịch Covid -19, theo đề nghị của Bộ Tài chính , Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thông qua việc ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020) và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).
Các chính sách trên được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi sản xuất, từng bước mở rộng quy mô đầu tư , nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch gây nên.
Như vậy, thực tế cho thấy trong 2 năm trước đây, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã trở thành giải pháp hữu hiệu góp phần "cứu" thị trường ô tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho, Bộ Công thương nhận định.
Thị trường ảm đạm bất ngờ
Trao đổi với Người Đưa Tin về thị trường xe ô tô sau khi Nghị định 41/2023/NĐ-CP được đưa ra, anh Nam - Quản lý của Đại lý Sàn ô tô Mỹ Đình cho biết, về tình hình chung trên thị trường ô tô vẫn chưa có nhiều biến đổi, giá xe chỉ giảm không đáng kể thậm chí có những hãng xe tăng giá nhẹ.
Theo anh Nam, xảy ra tình trạng này vì các hãng xe giảm mức khuyến mại sau khi có thông tin giảm 50% phí trước bạ được đưa ra để tránh ảnh hưởng đến doanh thu.
Về số lượng khách mua, trái với những năm trước khi mà phí trước bạ cũng được giảm 50% thì số lượng khách mua tăng rất nhiều, tuy nhiên năm nay chưa có sự thay đổi quá lớn so với 6 tháng đầu năm. Số lượng khách đặt trước chờ thời điểm phí trước bạ giảm cũng không nhiều.
Lý giải về vấn đề này, anh Nam bày tỏ: “Nguyên nhân là vì tình hình suy thoái kinh tế dẫn đến việc nhu cầu mua xe của khách hàng không cao ngay cả khi đã giảm thuế trước bạ 50%. Thậm chí lượng khách mua xe còn không bằng cả những lần giảm thuế trước bạ của những năm mà dịch Covid vẫn còn”.
“Việc giảm phí trước bạ giúp cho khách hàng chỉ cần bỏ ra thêm vài chục triệu đồng so với giá mua xe cũ là đã có thể mua xe mới. Trong tình cảnh thị trường xe mới chưa có nhiều biến chuyển thì việc này cũng làm ảnh hưởng lớn đến thị trường mua bán xe cũ khi mà khách mua xe phải cân đo đong đếm lại số tiền mua xe”, anh Nam chia sẻ.
Cũng trao đổi về vấn đề này, nhân viên đại lý ô tô Tứ Quý Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, lượng khách liên hệ mua xe lại cho thấy dấu hiệu đi xuống. Cùng đó, tháng 7 âm lịch cũng sắp tới. Đây là quãng thời gian nhiều người kiêng kỵ, hạn chế mua, bán những mặt hàng giá trị lớn. Vì vậy, thị trường ô tô khó có thể bùng nổ sau giảm phí trước bạ.
Được biết, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024, mức thu lệ phí trước bạ sẽ trở về mức cũ .