Dự báo về cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 trên hành tinh
Cộng đồng khoa học cho hay hành tinh của chúng ta đang trải qua đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 của các loài sinh vật trên Trái đất, hay còn gọi là Tuyệt chủng Holocene.
Mặc dù không thể dự đoán thời điểm chính xác xảy ra thời kỳ Tuyệt chủng Holocene, các chuyên gia lưu ý rằng tác động của con người đã làm tăng tốc đáng kể quá trình vốn mất hàng chục nghìn năm này.
Được công bố gần đây trên tạp chí chuyên ngành Biosciences, nghiên cứu của nhà khoa học khí hậu Kunio Kaiho tại Đại học Tohoku, Nhật Bản, dự báo sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 sẽ không thảm khốc như 5 lần trước đó.
Theo ông Kaiho, quy mô của sự kiện tuyệt chủng hiện tại sẽ không tăng thêm trong vài thế kỷ nữa. Khi phân tích mối quan hệ giữa sự ổn định của nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất và sự đa dạng sinh học, ông phát hiện rằng mức độ tuyệt chủng sẽ tăng lên khi nhiệt độ thay đổi.
Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong các đợt hạ nhiệt toàn cầu xảy ra khi nhiệt độ giảm khoảng 7 độ C. Tuy nhiên, nhà khoa học người Nhật Bản này ước tính trong thời kỳ Trái đất nóng lên, các vụ tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất đã xảy ra khi nhiệt độ nóng lên khoảng 9 độ C.
Con số trên cao hơn đáng kể so với các dự đoán trước đó, cho thấy nhiệt độ tăng 5,2 độ C sẽ gây tuyệt chủng hàng loạt ở hệ sinh thái biển với mức độ ngang bằng 5 kỳ tuyệt chủng trước đó.
Trong suốt nền lịch sử sự sống khoảng 540 triệu năm, Trái đất đã mất đi phần lớn các loài sinh vật trong khoảng thời gian địa chất tương đối nhỏ. Đây được coi là những sự kiện tuyệt chủng lớn và thường xuyên xảy ra ngay sau hiện tượng biến đổi khí hậu, bất kể là kết quả của nhiệt độ cực cao hay cực thấp.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay được dự báo sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt hành tinh lên tới 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này. "Sự nóng lên toàn cầu đến 9 độ C sẽ không xuất hiện trong kỷ Anthropocene, ít nhất là cho đến năm 2500 theo kịch bản tồi tệ nhất", ông Kaiho viết trong nghiên cứu.
Theo ông, việc dự đoán cường độ tuyệt chủng do con người gây ra trong tương lai nếu chỉ sử dụng nhiệt độ bề mặt là rất khó. Bởi lẽ, nguyên nhân của cuộc tuyệt chủng do con người gây ra khác với nguyên nhân của sự tuyệt chủng hàng loạt trong thời gian địa chất.
Do hậu quả của biến đổi khí hậu, nhiều loài động vật trên đất liền và dưới biển đã bị tuyệt chủng, mặc dù nhà nghiên cứu không lường trước được mức thiệt hại trong quá khứ.
Kỳ đại tuyệt chủng lớn nhất trên Trái đất chính là Permian Trias, xảy ra khoảng 250 triệu năm trước và kéo dài hơn 60.000 năm. Nguyên nhân đằng sau nó có thể bắt nguồn từ nhiệt độ tăng cao do núi lửa hoạt động mạnh và dẫn đến sự diệt vong của hơn 2/3 các loài sinh vật tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, do con người thải khí nhà kính, quá trình ấm lên ngày nay đang diễn ra ngắn hơn đáng kể. Thay vì có mức ấm lên quá cao, có khả năng nhiều loài không thể thích nghi và bị tuyệt diệt hơn trong kỳ đại tuyệt chủng thứ 6 của Trái đất.
Tuy nhiên, liên quan đến các dự đoán về thời gian và mức độ của sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, giới khoa học vẫn bất đồng về những số liệu chính xác của những tổn thất đó.