Dự báo "thị trường ảm đạm": Ô tô nhập khẩu vẫn ồ ạt về nước dù sức mua suy giảm

Chia sẻ Facebook
31/03/2023 14:12:51

Bức tranh thị trường năm 2023 còn được dự báo sẽ rất ảm đạm. Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến thời điểm hiện tại, các hãng ôtô đang bị tồn kho khoảng 38.000 chiếc.

Ôtô nhập khẩu vẫn ồ ạt về nước dù sức mua suy giảm


Thông tin trên Giao Thông vận tải , báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính có khoảng 41.780 xe ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước trong 3 tháng đầu năm nay, đạt giá trị kim ngạch 903 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cộng dồn quý 1/2023 tăng 76% về lượng và tăng 60,8% về giá trị.

Tính riêng trong tháng 3/2023, lượng ôtô nhập khẩu về nước ước đạt 15.000 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch 332 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Đây có thể xem là một hiện tượng lạ khi mặt hàng ôtô nhập khẩu đang ngược dòng những diễn biến không mấy sáng sủa của thị trường ôtô trong nước.

Hai tháng đầu năm nay, sức mua ôtô trên toàn thị trường duy trì ở mức khá thấp. Cụ thể, tổng lượng ôtô bán ra trong tháng đầu năm chỉ đạt 17.314 chiếc. Sang đến tháng 2, sức mua ôtô đã tăng lên đáng kể dù vẫn ở mức khá thấp nhờ những nỗ lực giảm giá của hãng xe, đạt tổng cộng 28.913 chiếc.

Trước thị trường ảm đạm như vậy, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước (CKD).

Sau khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của VAMA, nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng (VIVA) cũng đã lên tiếng "đòi" được ứng xử công bằng với xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, VIVA cho rằng tình trạng tồn kho của các hãng xe nhập khẩu còn nặng nề hơn và vì vậy, ôtô CBU cũng cần được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự.

Trước thực trạng này, đại diện một hãng xe nhập khẩu cho biết, đa số lượng xe nhập khẩu được thông quan thời gian vừa qua là do các hợp đồng đã được ký kết với đối tác nước ngoài từ năm ngoái. "Xe tồn kho lớn trong khi sức mua đang suy giảm thì không có lý do gì các hãng xe tăng cường nhập khẩu", vị đại diện này cho biết.

Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU sẽ đi vào vùng suy giảm. Tuy nhiên, nếu chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được áp dụng cho cả xe CKD lẫn xe CBU, khả năng hồi phục cũng sẽ trở nên sáng sủa.


Chia sẻ với báo Người Lao Động , chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng sức mua giảm sút chính là do giá ôtô tại Việt Nam quá cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng đang có tâm lý chờ ôtô điện, ôtô hybrid giá rẻ từ Trung Quốc. Cũng như khách hàng đang chờ khi nào áp dụng không kiểm định ôtô lần đầu mới quyết định mua xe. "Ở nước ngoài những xe dung tích nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường sẽ được hưởng mức thuế, phí rất thấp để khuyến khích người mua. Trong khi đường sá ở Việt Nam chưa phát triển, không cần xe có dung tích lớn nên việc miễn giảm thuế, phí cho xe có dung tích nhỏ sẽ rất thuận lợi", ông Đồng nhận xét.

Lượng xe ôtô nhập khẩu về Việt Nam tương đối cao. Ảnh minh họa.

Tổng lượng ôtô nhập khẩu năm 2022 vào Việt Nam đạt 173.467 xe ôtô


Số liệu trên Hà Nội Mới cho thấy, các quốc gia xuất nhiều xe sang Việt Nam trong tháng 1/2023 còn có Mỹ (432 xe/28,4 triệu USD), Trung Quốc (328 xe/11,2 triệu USD), Nhật Bản (247 xe, 15,7 triệu USD), Đức (175 xe, 16,1 triệu USD, Anh (67 xe, 3,87 triệu USD)…

Làn sóng xe nhập khẩu về nước tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh thị trường ôtô Việt Nam tiếp tục có những bước tiến mới về quy mô. Theo số liệu do Hiệp hội Ôtô Đông Nam Á (AAF) vừa công bố, tổng số ôtô của 7 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 3,42 triệu chiếc, tăng 22,7% so với năm 2021.

Trong đó, sức tăng trưởng 33% đã giúp thị trường Việt Nam giữ ngôi vị thị trường ôtô lớn thứ 4 tại Đông Nam Á, xếp sau Malaysia. Trong khi đó, Indonesia dẫn đầu về tiêu thụ ôtô với hơn 1,04 triệu xe bán ra, Thái Lan đứng thứ 2 với 849.388 chiếc bán ra.

Xét về mức độ tăng trưởng doanh số trong năm vừa qua, thị trường Việt nam đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ đứng sau Malaysia.

Cũng theo các số liệu, Việt Nam cũng nhập về lượng linh kiện và phụ tùng ôtô với giá trị hơn 305 triệu USD, giảm 38,7% so với tháng trước và giảm 24,1% so với tháng 1/2022.


Trước đó, báo Thanh Niên dẫn nguồn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ riêng tháng 12/2022, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại Việt Nam đã nhập khẩu 21.895 ôtô các loại, với trị giá tương đương 431,55 triệu USD. Kết quả này chỉ thấp hơn lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 11/2022 (đạt gần 23.000 xe)

Cộng dồn cả năm 2022, tổng lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam đạt 173.467 xe ôtô các loại với tổng giá trị đạt 3,84 tỷ USD. So với năm 2021, lượng ôtô nhập khẩu tăng 8,5% trong khi kim ngạch nhập khẩu ôtô cũng tăng 5,1%. Như vậy, bất chấp những tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chip, linh kiện… khiến nguồn cung gián đoạn tại một số thời điểm nhất định, lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam trong 2022 vẫn vượt năm 2021 (đạt hơn 160.000 xe) để xác lập kỷ lục mới.

Trong tổng số ôtô nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022, với lợi thế hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% ôtô lắp ráp, sản xuất tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… vẫn chiếm đa số. Trong đó, Indonesia đã vươn lên, vượt Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu cung ứng nhiều ôtô nhất cho thị trường Việt Nam.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook