Dự báo: Sức mạnh của đồng USD còn kéo dài, tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi sẽ chật vật
Kết quả khảo sát của Reuters vừa công bố cho thấy những lý do để nhà đầu tư mua USD vào vẫn nhiều hơn so với lý do để bán loại tiền này ra.
Các tài sản rủi ro có khởi đầu năm 2022 tồi tệ nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu - vào năm 2020, đã đẩy đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong gần hai thập kỷ vào tháng trước.
Thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua hồi phục chút ít đã khiến USD giảm nhẹ khỏi mức cao trước đó, khiến một số người bắt đầu cho rằng chuỗi ngày tăng giá của USD đã kết thúc. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích và nhà kinh doanh đều nói rằng hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận về điều đó.
"Tôi có thể đọc các thông tin nói về sự hấp dẫn trở lại của tài sản rủi ro và các nhà phân tích thị trường chứng khoán lại hăng hái. Tuy nhiên, tôi không mua nó (chứng khoán) ... chúng chỉ là những điểm sáng nhỏ trong số những tin tức mờ nhạt", Jane Foley, người phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối của Rabobank cho biết.
Thật vậy, gần 2/3 trong số các chiến lược gia, cụ thể là 28 trong số 44 người, cho biết đợt giảm giá gần đây của đồng đô la sẽ kéo dài không quá 3 tháng.
Trong số đó, 16 người cho biết xu hướng giảm giá của USD sẽ kết thúc sớm nhất là vào cuối tháng Sáu; và chỉ 7 người lựa chọn kịch bản USD sẽ giảm giá trong vòng một năm nữa.
Sự kết hợp độc đáo của việc đồng đô la vừa là nơi trú ẩn an toàn vừa là cách để thu lợi nhuận từ lãi suất cao hơn là chưa từng có và sẽ không sớm biến mất.
Jamie Fahy, chiến lược gia về phân bổ tài sản và vĩ mô toàn cầu của Citi cho biết: "USD mang lại sự an toàn, lợi suất và tăng trưởng", đồng thời cho biết thêm "Fed có vẻ vẫn sẽ là một "chú diều hâu" nổi bật" so với các đồng nghiệp của mình là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản.
Những yếu tố bao trùm này có khả năng giữ cho đồng đô la tăng giá mạnh trong ngắn hạn.
Dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy các nhà đầu cơ đã mua ròng đồng đô la Mỹ. Xu hướng này bắt đầu cách đây gần một năm và được cho là sẽ tiếp tục duy trì.
Đa số các nhà phân tích, 25 trong số 39 người, trả lời một câu hỏi bổ sung cho biết chiến lược mua đồng đô la vào và bán các đồng tiền mới nổi hoặc các đồng tiền chủ chốt khác sẽ chiếm đa số các giao dịch trong ba tháng tới.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát rộng rãi hơn, gồm gần 60 chiến lược gia tiền tệ, lại cho thấy quan điểm đồng USD sẽ suy yếu nhẹ trong vòng 12 tháng.
Theo đó, trong khi đồng euro, yên Nhật, bảng Anh và franc Thụy Sĩ được dự báo sẽ tăng giá so với đồng USD trong 12 tháng tới, không có dự đoán nào cho rằng mức tăng đó đủ để bù đắp mức giảm giá của các đồng tiền này tính từ đầu năm đến nay.
Đối thủ gần nhất của đồng USD, đồng euro, dự kiến sẽ tăng khoảng 4,0% để đạt 1,11 USD trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, trong nhiều năm tới, đồng euro đã đi theo hướng ngược lại.
Giải thích cho quan điểm đó, ông Foley của Rabobank cho biết "khi bạn chuyển sang các kế hoạch dài hạn hơn, 3 năm, 5 năm, chúng tôi có xu hướng di chuyển (dự báo) theo các mức giá trị hợp lý."
Các chiến lược gia tiền tệ cũng cho rằng tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ phải chật vật để giữ mức tăng gần đây vào cuối năm nay, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất và lo ngại lạm phát cao khiến đồng đô la duy trì ở vị trí dẫn đầu.
Vừa mới phục hồi sau đợt giảm giá kéo dài gần hai năm, tâm lý tích cực đối với tiền tệ của các thị trường mới nổi đã bị suy giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Tháng trước, dòng vốn chảy mạnh vào USD để trú ẩn an toàn đã đẩy chỉ số tiền tệ của các thị trường mới nổi giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. May mắn thay, sau đó các tiền tệ này đã hồi phục khi thị trường thu hẹp mức đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất – khiến đồng bạc xanh suy yếu chút ít.
Đa số các chiến lược gia ngoại hối tham giao vào cuộc khảo sát trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 cho biết sự suy yếu gần đây của đồng đô la sẽ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ của thị trường mới nổi vào cuối tháng 8.
Min Dai, chiến lược gia tiền tệ của Morgan Stanley cho biết: "Đó là một cơn bão hoàn hảo đối với thị trường tiền tệ mới nổi trong năm 2022 – thái độ ‘diều hâu’ của Fed, xung đột NgaU - kraine, hiện tượng bán tháo nợ của Nga và sự suy thoái của Trung Quốc".
"Đầu năm chúng tôi hy vọng rằng tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi có thể phục hồi vào năm 2022 sau năm 2021 đau đớn, nhưng thực tế lại ngược lại."
Hầu như ở tất cả các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi trong quá khứ đều liên quan đến sức mạnh của đồng đô la. Khi đồng đô la tăng giá, các nước đang phát triển phải thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm giá đồng tiền của họ. Nếu họ không làm như vậy sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát và tăng chi phí trả nợ bằng đồng đô la.
Tham khảo: Refinitiv