Dự báo bão số 4 sát với thực tế giúp ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại
Theo đánh giá, dự báo của Việt Nam áp dụng mô hình dự báo khu vực nên dự báo cường độ bão số 4 sát với thực tế hơn thế giới.
Dự báo sớm, tập trung cao, sát với thực tế nhất
Dù bão số 4 (bão Noru) là một cơn bão rất mạnh đổ bộ vào miền Trung nước ta, tuy nhiên, sau khi bão đi qua, thống kê sơ bộ thiệt hại về người và của do bão gây ra là khá nhỏ.
Trong tổng thể các nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại do bão số 4 gây ra phải kể đến công tác dự báo bão đã được tiến hành sớm và liên tục. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão số 4 là một cơn bão rất mạnh, trước khi đổ bộ vào Philippines đã đạt cấp độ siêu bão (cấp 16). Khi đi vào Biển Đông bão ở cấp 14-15, giật cấp 17, di chuyển nhanh.
“Để ứng phó với cơn bão rất mạnh này, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có những chỉ đạo sát sao. Công tác dự báo đã được triển khai từ rất sớm và tập trung ở mức độ cao nhất. Chúng tôi cắt cử người trực 24/24h, khi bão áp sát và đổ bộ vào đất liền, 100% quân số được huy động ứng trực để kịp thời đưa ra nhận định cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan thông tin kịp thời đến người dân”, ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Theo ông Mai Văn Khiêm, ngay từ ngày 23/9, khi bão còn ngoài khơi Philippines, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã có công văn cảnh báo sớm gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, trong đó có đánh giá khá chi tiết về khả năng tác động của bão số 4 đối với các vùng biển. Ngày 26/9, khi bão vừa vào Biển Đông, Trung tâm đã phát tin bão khẩn cấp, kèm theo thông tin dự báo từng giờ về cường độ, hướng di chuyển của bão số 4. Tổng cộng, Trung tâm dự báo đã phát đi 33 bản tin chính thức, 44 tin nhanh bổ sung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với bão.
Ông Khiêm cũng cho biết, mặc dù bão số 4 có đường đi không quá phức tạp, chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh và cơ bản là ổn định nhưng khó khăn lớn nhất trong dự báo về bão số 4 là dự báo cường độ.
“Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều gặp khó khăn này. Riêng với bão số 4, các trung tâm dự báo trên thế giới đều có sự đồng thuận về hướng và tốc độ di chuyển, tuy nhiên cường độ bão thì có “độ vênh” rất lớn. Việt Nam là nước đưa ra dự báo quá trình bão mạnh lên trên Biển Đông và suy yếu trước khi vào bờ sát với thực tế nhất. Mặc dù các cơ quan dự báo quốc tế đưa ra nhận định bão rất mạnh khi vào bờ, có nước dự báo lên siêu bão. Nhưng với hệ thống quan trắc radar dọc ven biển, cơ quan dự báo Việt Nam đã đưa ra các phân tích và dự báo báo cường độ khi tiếp cận bờ sát thực tế nhất”, ông Khiêm cho biết.
Theo thống kê khi dự báo về bão số 4, các trung tâm dự báo bão quốc tế của Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17; khi đổ bộ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Nhật Bản dự báo khi đổ bộ bão mạnh cấp 15. Có thể thấy, các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hồng Kông luôn đưa ra cảnh báo bão số 4 mạnh hơn Việt Nam từ 2-3 cấp.
“Sự khác biệt trong dự báo về cường độ bão số xuất phát từ cách tính toán và thời gian tính gió mạnh của các nước là khác nhau. Với Mỹ họ tính cường độ gió mạnh trong vòng 1 phút, còn Việt Nam tính gió mạnh trong 2 phút, nên cũng có sự chênh lệch. Ngoài ra các hệ mô hình của các trung tâm dự báo trên thế giới cũng khác nhau, thường mô hình dự báo cho khu vực Biển Đông của các nước khác là mô hình toàn cầu, độ phân giải thấp. Còn Việt Nam hiện vận hành hệ thống mô hình khu vực độ phân giải cao, có đồng hóa số liệu của Việt Nam và hệ thống tổ hợp 32 mô hình khu vực cho vùng Biển Đông và đất liền Việt Nam. Các phiên dự báo của hệ thống tổ hợp 32 mô hình dự báo khu vực lần này đã giúp Trung tâm dự báo của Việt Nam đánh giá sát hơn so với các nước khác trong dự báo cường độ và diễn biến của bão số 4”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Phân tích kỹ để công bố cấp độ thiên tai phù hợp nhất
Theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo tổ hợp 32 mô hình khu vực đã giúp Trung tâm nhận thấy có một số yếu tố khiến bão số 4 có thể đạt cường độ siêu bão. “Tuy nhiên sau khi đánh giá và phân tích kỹ, chúng tôi xác định phương án này không có nhiều khả năng xảy ra. Phương án chiếm xác suất cao hơn đó là cường độ bão số 4 có thể đạt cực đại cấp 14-15 khi trên Biển Đông, đây là phương án mà Trung tâm dự báo đã đưa ra trong các bản tin chính thức”.
Để đưa ra cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đều có quy trình phân tích, nhận định, dự báo…rất nghiêm ngặt. Trong đó, đơn vị này thực hiện đúng theo Nghị định số 160 và Quyết định 18 xác định 5 cấp độ rủi ro thiên tai sẽ gắn liền với trách nhiệm ứng phó từng cấp độ.
“Đối với bão, rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm một trong các trường hợp sau: Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ; Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa)”, lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nêu ví dụ./.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống cơn bão số 4. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước.
Trưa 28/9, ngay sau khi bão số 4 đi qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng đánh giá: Công tác dự báo bão trên biển đã được triển khai từ sớm từ xa. Dự báo trên biển rất chính xác. Ngay khi bão chưa đổ bộ vào Philippines thì cơ quan khí tượng thủy văn đã có những cảnh báo. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đưa ra những cảnh báo cho các địa phương để thông báo cho tàu thuyền. Ngay sau khi bão qua Philippines vào đến Biển Đông, cơ quan khí tượng thủy văn đã đưa ra những dự báo về đường đi, về cường độ đều rất sát so với thực tế.