Dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chủ đầu tư
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa thống nhất giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 (đoạn qua Cần Thơ) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố khẩn trương phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị có liên quan tiếp nhận hồ sơ và triển khai các thủ tục tiếp theo đảm bảo đúng quy định; đồng thời kiện toàn tổ chức, nhân sự đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua địa bàn các tỉnh/thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021- 2025 là hơn 30.700 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 26.900 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 3.800 tỷ đồng (An Giang 1.000 tỷ đồng, Cần Thơ 1.000 tỷ đồng, Hậu Giang 823 tỷ đồng và Sóc Trăng 1.000 tỷ đồng). Nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026- 2030 gần 14.000 tỷ đồng.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng hơn 1.200ha, gồm: đất trồng lúa 860ha; đất dân cư (đất ở) 24ha; đất trồng cây lâu năm 127ha; đất trồng cây hằng năm 65ha; đất nuôi trồng thủy hải sản 10ha và đất công cộng 119ha.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (An Giang) dài hơn 57km, vốn 13.799 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) dài hơn 37km, vốn 9.845 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Hậu Giang) dài gần 37km, vốn 9.927 tỷ đồng. Dự án thành phần 4 (Sóc Trăng) dài gần 57km, vốn 11.120 tỷ đồng.
Trong tổng vốn đầu tư 44.691 tỷ đồng của dự án, có 8.487 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tại Hậu Giang (dự án thành phần 3), trong buổi làm việc mới đây, đơn vị tư vấn kiến nghị UBND tỉnh sớm thống nhất phương án thiết kế và thống nhất chủ trương giảm tối đa các cầu trên tuyến, điều chỉnh kết cấu mặt đường gom để phù hợp với các tuyến đường giao thông đang thực hiện ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh giáp ranh khi xây dựng khung chính sách. Đề nghị tư vấn thiết kế, Sở GTVT phối hợp với Sở GTVT Sóc Trăng và Sở GTVT Cần Thơ thống nhất lý trình thực tế.
Đơn vị tư vấn lưu ý, thiết kế phù hợp tại vị trí kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Quốc lộ 61C. Hai huyện có tuyến cao tốc đi qua là Châu Thành A và Phụng Hiệp nhanh chóng rà soát, hạn chế tối đa số lượng cầu và cống, đồng thời khẩn trương xác định đường gom dân sinh để báo cáo về Ban chỉ đạo trong buổi làm việc tiếp theo…