Dự án sản xuất lắp ráp ô tô "made in Việt Nam" ở xứ Thanh có hồi sinh?

Chia sẻ Facebook
29/12/2022 23:40:09

Được người dân và chính quyền địa phương đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, tới nay dự án sản xuất, lắp ráp ô tô nghìn tỷ đầy tham vọng ở xứ Thanh vẫn "chết lâm sàng".

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, của Công ty Vinaxuki Thanh Hóa, được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đăng ký 1.360 tỷ đồng. Đây là dự án gửi gắm nhiều tâm huyết và tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki Thanh Hóa.

Theo đó, dự án được phát triển trên khu đất diện tích hơn 45ha, trên địa bàn hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Với mục tiêu là sản xuất, lắp ráp các loại ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi và các loại ô tô du lịch (xe con). Trong đó, hướng tới tối đa việc nội địa hóa để cho ra đời những sản phẩm chuẩn "made in Việt Nam", như chia sẻ của vị Chủ tịch Vinaxuki.

Ban đầu, trong giai đoạn những năm 2007-2009, lượng xe xuất xưởng của Vinaxuki trung bình 50-60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Năm 2011, riêng lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) luôn đứng top đầu thị trường. Giai đoạn này cũng là lúc công ty chuyển hướng với ý nghĩ táo bạo, mang tính tiên phong là sản xuất dòng ô tô con giá rẻ "made in Việt Nam".

Ông Bùi Ngọc Huyên bên "đứa con tinh thần" còn dang dở của mình.

Sau những cố gắng không ngừng để lắp ráp dây chuyền vận hành đi vào hoạt động (2011), tuy nhiên cũng là lúc tình hình tài chính thế giới cũng như Việt Nam đang trong giai đoạn có nhiều biến động tiêu cực, khủng hoảng, dẫn tới thị trường tiêu thụ ô tô bị đình trệ, đồng thời, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn đi kèm lãi suất cao.

Với những kinh nghiệm non trẻ của một doanh nghiệp mới chập chững bước vào ngành công nghiệp ô tô vốn là cuộc chơi riêng của các nước phát triển, nên chỉ sau 2 năm hoạt động, nhà máy Vinaxuki đã bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang thời gian dài từ đó. Cú sốc này đã khiến Vinaxuki là một công ty đi đầu về lắp ráp ô tô, có kết quả kinh doanh ban đầu khả quan với số vốn nghìn tỷ, Vinaxuki đã lâm vào tình cảnh bi đát, phá sản.

Có lẽ ý tưởng lớn từ bỏ việc lắp ráp xe tải đơn thuần và đang có sự phát triển tốt để chuyển một lượng vốn lớn định hướng sang chế tạo, sản xuất xe con với tỉ lệ nội địa hóa cao, có thể lên tới 40% là bước ngoặt của doanh nhiệp này.

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô của Vinaxuki.

Theo một số chuyên gia phân tích sau đó, khi đi theo con đường này, vì là tiên phong nên Vinaxuki thiếu cả kinh nghiệm sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh trong thời điểm đó và cũng đã "không gặp thời".

Trong một chia sẻ với báo giới, ông Huyên đau xót: “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô”.

Với những khó khăn không thể cứu vãn và bị ngân hàng siết nợ phát mãi tài sản, ngày 24/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa). Đây được xem như là dấu chấm hết cho dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng của Vinaxuki.


Tuy nhiên, xác định công nghiệp chế tạo mà trong đó sản xuất lắp ráp ô tô là một trong những ngành mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục chấp thuận cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê khu đất trên để tiếp tục sử dụng thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với số vốn đầu tư dự kiến lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook