Dự án sân bay Long Thành: Tìm đâu 700 lô đất tái định cư phát sinh?
Vướng mắc lớn nhất trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Cảng hàng không (sân bay) quốc tế Long Thành là phải tìm hướng giải quyết bố trí cho khoảng 700 lô tái định cư tối thiểu (lô phụ, 80m2) phát sinh từ các trường hợp mua đất giấy tay, quy định về hộ phụ trong các gia đình.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 6 này, tỉnh Đồng Nai phải bàn giao đủ mặt bằng 5.000 ha để phục vụ thi công dự án sân bay Long Thành . Trên 2.500 ha phải giao trong tháng 5 để triển khai giai đoạn 1 của dự án. Tuy nhiên, yêu cầu này rất khó được đáp ứng khi diện tích của giai đoạn 1 cần bàn giao đang thiếu khoảng 7%.
Để phục vụ dự án đầu tư, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 5 nghìn ha đất, với khoảng 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 4,3 nghìn trường hợp thuộc diện giải tỏa trắng và phải bố trí tái định cư.
Nhà đất đã được áp giá đền bù; công trình san lấp mặt bằng dự án sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đã thi công sát bên hông nhà và hàng xóm cũng đã đến nơi ở mới nhưng gia đình ông Trần Công Bước (xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai) vẫn chưa thể di dời vì đang chờ địa phương giải quyết bố trí tái định cư.
Ông Bước cho biết, gia đình ông có 3 người con đã lập gia đình. Do “vướng” quy hoạch dự án sân bay Long Thành, ông không thể tách sổ chia đất cho con làm nhà. Để làm ăn, sinh sống các con của ông phải đi thuê nhà.
“Tôi khiếu nại yêu cầu cấp thêm lô tái định cư phụ theo quy định và cũng muốn sớm được giải quyết để bàn giao đất triển khai dự án sân bay chứ thi công suốt ngày đêm, bụi bay mù mịt không thể chịu nổi” - ông Bước giãi bày.
Tương tự, bà Trần Thị Len (xã Long An) cũng đang khiếu nại và yêu cầu được giải quyết tái định cư bởi trước đó, trong quá trình xem xét, bà Len được cho là ở nhờ trên đất của một hộ khác nên không được giải quyết tái định cư. Bà Len khẳng định yêu cầu của mình là chính đáng khi đưa ra giấy tay mua bán với chủ đất được lập từ năm 2003.
“Chính quyền địa phương nói tôi ở nhờ là không đúng vì thời điểm mua đất có công chứng. Nhà nước không cho tách sổ vì lúc ấy đã có quy hoạch dự án sân bay Long Thành. Sau đó, tôi làm nhà ở ổn định từ năm 2007 đến nay” - bà Len cho hay.
Chờ điều chỉnh quy hoạch?
Lý giải về việc phát sinh thêm 700 lô tái định cư, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, do trước đây, trong quá trình điều tra, kiểm đếm, các đơn vị chức năng chỉ căn cứ theo nóc nhà, hộ gia đình; đến quá trình thực hiện xét tái định cư thì phát sinh thêm. “Đây là các trường hợp hợp lý cần được giải quyết, do đó huyện đã đề xuất UBND tỉnh giải quyết” - ông Tiếp khẳng định.
Theo ông Lê Văn Tiếp,UBND huyện Long Thành đã đề xuất tăng thêm các suất tái định cư tối thiểu trong Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Long Thành thừa nhận, việc xét, bổ sung thêm các trường hợp phát sinh sẽ vượt quá số lô đất tái định cư theo quy hoạch tại khu Lộc An - Bình Sơn, khiến cho tiến độ chung của dự án bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, trong quy hoạch của khu Lộc An - Bình Sơn, ngoài 994 lô đất tái định cư tối thiểu (80m2), số lượng còn lại là các lô đất tái định cư thông thường, trong đó có 1.884 lô đất dạng nhà vườn.
“Hiện nay, khu này không còn diện tích để bố trí thêm 700 lô tái định cư tối thiểu phát sinh. Với phương án điều chỉnh thu hẹp diện tích các lô nhà vườn để có thêm lô tối thiểu theo đề nghị của huyện Long Thành cũng rất khó thực hiện, bởi hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu Lộc An - Bình Sơn đã cơ bản xây dựng xong, nếu điều chỉnh diện tích các lô đất thì bắt buộc phải điều chỉnh các công trình hạ tầng” - ông Tuấn nói và cho biết các cơ quan chức năng đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện theo hướng điều chỉnh lại quy hoạch khu tái định cư để tăng thêm số lô đất tối thiểu bố trí tái định cư cho người dân.
Theo Mạnh Thắng
Tiền Phong