Dự án nhà ở xã hội đầu tư 17 năm chưa có nhà
Không có nhà ở xã hội trên thị trường, ngân hàng chính sách ứ vốn vì không có người vay.
Trong khi người dân đang cần nhà thì dự án nhà ở xã hội phường Hiệp Thành xoay xở 17 năm không ra được sản phẩm. Đó là chất vấn của một đại biểu HĐND TP.HCM tại buổi giám sát về thực hiện chương trình nhà ở đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển nhà ở TP (HOF) và Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) ngày 8-6.
Tại buổi giám sát, đại diện Quỹ phát triển nhà ở TP cho biết một trong hai dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư là khu nhà ở xã hội phường Hiệp Thành (quận 12) đã 17 năm nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm.
Dự án được giao từ năm 2005, gồm 22 khối chung cư 12 tầng với 2.240 căn hộ và 45 căn nhà liên kế, dự kiến sẽ cung cấp chỗ ở cho 8.000 người.
Hiện tại, dự án đã xây dựng xong hạ tầng, và các công trình công cộng nhưng HOF không có nguồn vốn để xây dựng các khối chung cư.
Từ năm 2010, UBND TP cho phép huy động vốn đầu tư, HOF chọn hình thức nhà đầu tư ứng vốn để xây dựng toàn bộ khu vực và giao lại số lượng căn hộ ứng với giá trị đất nhưng không có nhà đầu tư tham gia.
HOF đề nghị hội đồng quản lý cho đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, nhưng phương án này thì phải điều chỉnh quy hoạch. Sau đó, HOF trình UBND TP xin bán đấu giá dự án.
Năm 2021, khu đất được phê duyệt phát triển nhà ở xã hội cho công nhân theo hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Như vậy, qua 17 năm đầu tư, dự án khu nhà ở xã hội phường Hiệp Thành vẫn chưa thể khởi công cho ra nhà ở.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cho biết hiện nay đang tìm kiếm người vay mua nhà ở xã hội nhưng tìm không ra.
Ông Bùi Văn Sổn - phó giám đốc chi nhánh TP.HCM - cho biết vì thị trường không có nhà ở xã hội nên không có người vay vốn để mua nhà.
Trả lời câu hỏi các đại biểu HĐND về việc cử tri phản ánh thủ tục vay ngân hàng chính sách quá khó, ông Sổn trình bày ba nguyên nhân. Thứ nhất, người vay phải là người không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên nên phần lớn công chức, viên chức tại TP.HCM không đủ điều kiện.
Người không đóng thuế thu nhập cá nhân lại không đủ số tiền 30% giá trị căn nhà để mua. Bên cạnh đó, các địa phương không xác nhận tình trạng nhà ở của người dân đúng như hướng dẫn. Quy định còn buộc người dân phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 1 năm tại địa phương mới được vay mua nhà ở xã hội.
Các đại biểu hỏi có đơn giản thủ tục cho vay được không, ông Sổn nói sẽ báo cáo lại Chính phủ vì những thủ tục này do Chính phủ quy định.
TP.HCM khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội trước kỳ nghỉ lễ 30-4. Dù số lượng căn hộ còn khiêm tốn so với nhu cầu nhưng cũng thêm lạc quan cho người lao động.