Dự án GameFi dỏm phá nát thị trường blockchain Việt
Thiếu hụt nhân sự là vấn đề mà các công ty blockchain trong nước phải đối mặt. Ngoài ra, những dự án GameFi kém chất lượng làm mất niềm tin của nhà đầu tư Việt.
Dự án GameFi dỏm phá nát thị trường blockchain Việt
Việt Nam có nhiều dự án tiền số nổi bật cùng lượng người dùng đông đảo. Theo nghiên cứu từ Chainalysis, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về các chỉ số chấp nhận tiền mã hóa trong năm 2021. Binance cho biết trong số 10 GameFi đạt doanh thu cao nhất hệ sinh thái, có 2 game NFT với đội ngũ phát triển từ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước, ngành blockchain Việt Nam có thể bị chậm lại bởi các GameFi kém chất lượng, lừa đảo. Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân sự, chưa có quy định của luật pháp khiến doanh nghiệp lo lắng.
‘GameFi phá nát thị trường tiền số’
Trong khuôn khổ sự kiện Blockchain- Dream of Innovation do K300 Ventures, cộng đồng Trade Coin Việt Nam tổ chức, các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tiền số nhấn mạnh vào những vấn đề còn tồn đọng với các dự án, khiến lĩnh vực blockchain Việt Nam chưa thể phát triển đúng hướng.
Giữa các làn sóng đầu tư trong giai đoạn thị trường phát triển mạnh 2020-2021 như DeFi, DAO, GameFi, các chuyên gia tại sự kiện không đánh giá cao trào lưu play-to-earn. Lý do được đưa ra là bởi xuất hiện quá nhiều dự án lừa đảo, yếu tố kiếm tiền bị xem trọng, phần game có đồ họa, lối chơi nghèo nàn.
“Theo tôi, GameFi 2021 đã phá nát thị trường, khiến dòng tiền chảy khỏi hệ thống, gây mất niềm tin ở nhà đầu tư”, ông Phạm Duy Đông, quản trị viên cộng đồng Sài Gòn Trade Coin chia sẻ.
Lý do ông Đông đưa ra để không tin tưởng vào trào lưu chơi game kiếm tiền là bởi yếu tố tài chính đang bị đặt nặng quá mức. Trong khi đó, bản chất của một tựa game là lối chơi, hình ảnh không được xem trọng.
“Theo tôi, để có thể tồn tại, GameFi cần điều chỉnh để việc giải trí là chính, phần kiếm tiền chỉ là song song, phụ trợ. Về giá token cũng vậy, không nhất thiết tăng mạnh, thu lời lớn nhưng phải sống lâu”, ông Đông nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Long Nguyễn, đại diện Summoner Arena, dự án GameFi của đội ngũ trong nước được Coinbase rót vốn cho rằng thị trường vừa trải qua một giai đoạn quá FOMO và sinh ra các “bong bóng” trong lĩnh vực play-to-earn.
Theo đó, khi trào lưu này dần hạ nhiệt, mức độ quan tâm giảm xuống, sẽ tạo ra cơ hội để thị trường thanh lọc các dự án tệ, giữ lại những đội ngũ tâm huyết, phát triển lâu dài.
“Khi thị trường tăng trưởng nóng, đội ngũ dễ dàng bị xao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài. Hiện tại, nhà phát triển lớn sẽ tập trung vào sản phẩm”, ông Long nói thêm.
Trong năm 2021, loạt dự án GameFi của lập trình viên trong nước có dấu hiệu lừa đảo, bào mòn niềm tin từ nhà đầu tư. Crypto Bike, dự án click-to-earn với đồ họa và lối chơi đơn điệu nhưng vẫn thu hút được lượng lớn người tham gia nhờ vào lời hứa hoàn vốn nhanh và lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vài ngày sau khi ra mắt, 60% token của GameFi này bị bán tháo, khiến nhà đầu tăng trắng tay.
Zuki Moba, trò chơi NFT được quảng bá rầm rộ bởi các streamer trong nước cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiền số. Được quảng cáo là lối chơi được lấy cảm hứng từ trò ném tuyết của Nhật Bản, thực tế Zuki Moba là bản “Việt hóa”, tích hợp thêm yếu tố NFT, blockchain để kiếm tiền của trò chơi PoPoWar đến từ Trung Quốc.
Dự án có cách quản lý token bất thường với 95% lượng tiền số của trò chơi không bị khóa, có thể bị bán tháo bất kỳ lúc nào. Hiện tại, đồng tiền số ZUKI của dự án Zuki Moba có giá 0,013 USD , giảm 98% so với đỉnh.
Bên cạnh đó, loạt dự án Crypto Guards, Crypto Cars, Crypto Planes, Zodiacs bị nhiều nhà đầu tư tố lén lút bán tháo, khiến giá token sụt giảm mạnh. Hiện tại, các trò chơi này đều có giá tiền số sụt giảm hàng chục lần so với đỉnh.
Thiếu hụt nhân sự, chưa có khung pháp lý
Tại tọa đàm cùng Solana diễn ra cách đây ít ngày, đại diện Coin98, FPT Telecom thể hiện sự lo ngại về nhân sự, chính sách, có thể ảnh hưởng đến đà phát triển của ngành blockchain trong nước.
“Những người có kinh nghiệm còn khan hiếm vì ngành quá mới mẻ. Việc thuyết phục nhân tài từ lĩnh vực khác sang là không dễ dàng. Khát nhân sự luôn là khó khăn muôn thuở trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Thế Vinh, đồng sáng lập dự án Coin98 chia sẻ trong buổi tọa đàm.
Trong khi đó, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng thách thức nhân sự hiện tại là vấn đề ngắn hạn, sẽ sớm được giải quyết. “Hiện tại blockchain không chỉ được một vài công ty đầu tư mà nhiều đơn vị cùng làm. Mỗi nơi lại khai thác một khía cạnh khác nhau nên đội ngũ ngày càng đông", ông Tiến nói tại sự kiện.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia ( NIC ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhân sự là vấn đề với nhiều công ty blockchain Việt Nam tham dự Blockchain Week do Binance tổ chức.
“Tôi có trao đổi với một số đại diện công ty blockchain của Việt Nam, họ chia sẻ việc gặp khó khăn do thiếu nhân sự, cạnh tranh ‘câu’ người của nhau. Tuy gọi ngành blockchain đang lớn mạnh, nhưng nguồn lực cho ngành vẫn còn thiếu nhiều”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nói với chúng tôi.
Mức lương cao cũng là một yếu tố được các doanh nghiệp blockchain đưa ra để thu hút nhân tài. Toản Nguyễn, đồng sáng lập Recruitery, một startup tuyển dụng cho biết nhân sự liên quan đến blockchain nhận lương cao gấp 1,5 lần so với các ngành khác cùng kinh nghiệm làm việc.
Ngoài ra, chế tài về luật pháp là vấn đề trước mắt cần giải quyết cho các doanh nghiệp về chuỗi khối. “Hiện nay, những công ty blockchain thực thụ, có sản phẩm, phải mở văn phòng ở Singapore. Những doanh nghiệp thành công phải đối mặt với một chút mạo hiểm khi đồng tiền số của dự án lớn mạnh”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, theo bà Dung, chính sách và luật pháp của các quốc gia thường đi sau sự phát triển của thực tiễn. Đặc biệt ngày nay công nghệ phát triển với tốc độ khác thường, thay đổi nhanh chóng nên việc ban hành các chính sách về phát triển công nghệ cần phải đẩy nhanh hơn và có tầm nhìn xa hơn.
“Nếu không có các chính sách rõ ràng thì nhiều lĩnh vực đều có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cả chính phủ bởi sự lũng đoạn của một số cá nhân, chủ doanh nghiệp”, bà Dung nói.
Xuân Sang