Dự án điện gió, điện mặt trời dở dang sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời còn đang dở dang, chưa vận hành.
Đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời , điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ TTg ngày 10/9/2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đơn vị tổ chức đấu thầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thời gian thực hiện đấu thầu trong năm 2020, áp dụng cho giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.
Các dự án chuyển tiếp được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện cạnh tranh. Trường hợp lựa chọn tham gia, nhà máy có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị phát điện theo quy định thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành.
Điều đáng chú ý là thời hạn của hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng đến hết năm 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định do Chính phủ và/hoặc Bộ Công Thương ban hành.
Đồng tiền tính giá là Việt Nam đồng (đồng/kWh), không điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD;
Nhà máy điện được huy động theo nhu cầu của hệ thống điện, tuân thủ quy định tại Quy định Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và các quy định có liên quan khác do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia.
Như vậy, cơ chế đấu thầu này khác hẳn với cơ chế giá FIT từng áp dụng. Trong đó, việc đấu thầu tiến hành 5 năm một lần, sau 5 năm sẽ thực hiện đấu thầu lại, thay vì có một mức giá cố định 20 năm như cơ chế giá FIT trước đây.
Ngoài ra, cơ chế giá FIT trước đây giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Trong khi cơ chế đấu thầu lần này là thanh toán bằng VND, không phải USD theo tỷ lệ chuyển đổi.
Đặc biệt, khác với trước đây EVN phải mua toàn bộ điện sản xuất, cơ chế đấu giá lần này đề xuất chỉ thu mua theo nhu cầu tải trọng còn thiếu, không cam kết mua toàn bộ.
Nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo cho biết cảm thấy ‘bất an’ trước cơ chế đấu giá này. Bởi lẽ, các nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro rất lớn khi không biết được mức giá sau 5 năm là như thế nào, chênh lệch tỷ giá ra sao và việc sản xuất ra có bán được điện hay không.
Theo Bộ Công Thương, tổng công suất các dự án điện gió đã bổ sung quy hoạch là 11.921 MW và các dự án, phần dự án đã vận hành COD là 3.980,265 MW (84 nhà máy điện gió); (ii) Tổng công suất các dự án điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW và các dự án, phần dự án đã vận hành COD đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 là 8.652,9 MW (148 nhà máy điện mặt trời).
Tính đến thời điểm hiện tại, điện gió và điện mặt trời ở nước ta đã chiếm trên 26% tổng công suất lắp đặt.
Do không kịp đưa vào vận hành trước thời điểm 31/10/2021, nên hàng loạt dự án điện gió xây dựng dở dang hiện nằm chờ chính sách. Nhiều dự án đã lắp đặt xong không thể hoạt động được vì chưa có giá bán .
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận. Trong đó, Dự án điện mặt trời 450MW Trung Nam - Thuận Nam là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn. Theo đó, nhà đầu tư không chỉ làm nhà máy điện mà phải đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 KV - đường dây 500KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án điện mặt trời 450MW nhằm bù đắp chi phí của nhà đầu tư đã xây dựng trạm 500KV.
Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 277,88 trên tổng công suất 450MW của dự án Trung Nam - Thuận Nam có giá bán điện. Trên địa bàn Ninh Thuận còn dự án Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng lâm cảnh tương tự. Các dự án này vẫn đang 'ngóng' cơ chế giá mới sau 2 năm hoàn thành.
Lương Bằng