Dow Jones tăng hơn 600 điểm, sắc xanh bao trùm chứng khoán Mỹ

Chia sẻ Facebook
03/10/2022 23:57:58

Chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 với màu xanh bao trùm.

Vào lúc 21h45 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã tăng hơn 623 điểm, tương đương khoảng 2,17%. S&P 500 cũng tăng 71,8 điểm, tương đương 2% còn Nasdaq tăng 177 điểm, tương đương 1,68%.

Trước đó, đầu phiên giao dịch, Dow Jone tăng 335 điểm, tương đương 1,17% lên 29.060,88 điểm. S&P 500 tăng 37,7 điểm, tương đương 1,02%. Nasdaq tăng 62 điểm, tương đương 0,58%. Russell 2000 Index với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhất cũng tăng 0,77%.

Màu xanh cũng lác đác xuất hiện trở lại với chứng khoán châu Âu. DAX của Đức tăng 13,88 điểm, tương đương 0,14%. Chỉ số này đã phục hồi đáng kể so với vài giờ trước đó. FTSE 100 của Anh và CAC của Pháp cũng chỉ còn giảm nhẹ 0,19 và 0,2%. Euro Stoxx 59 tăng 1,75 điểm, tương đương 0,1%.

Trước đó, sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Âu. DAX của Đức có lúc giảm 165,37 điểm, tương đương 1,37%. FTSE 100 của Anh giảm 0,97% trong khi CAC 40 của Pháp mất 1,56%.

Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa với màu xanh, đỏ ở từng nơi. Kết phiên giao dịch 3/10, Hang Seng đã giảm 158,83 điểm xuống còn 17.064 điểm. Các chỉ số khác của chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giảm điểm. Shanghai Composite Index giảm 16,81 điểm, tương đương 0,55%. SZSE Component cũng giảm 140 điểm, tương đương 1,29%. KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 15,44 điểm, tương đương 0,71%.

Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản lại ngược dòng tăng điểm. Nikkei 225 tăng 267,22 điểm, tương đương 1,03%.

Phố Wall vừa trải qua một tháng khó khăn, khi mà Dow Jones và S&P 500 ghi nhận cú giảm theo tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, Dow Jones giảm 8,8% trong tháng 9 trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 0,3 và 10,5%. Cuối tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, Dow Jones đóng cửa dưới 29.000 điểm.

Cũng trong quý kết thúc vào tháng 9, Dow Jones đã giảm 6,66%, trở thành quý giảm thứ 3 liên tiếp đầu tiên kể từ quý 3/2015. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt mất 5,38% và 4,11% trong quý trước, xác lập 3 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, Mike Wilson, chiến lược gia của Morgan Stanley, cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng còn lại của năm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không thay đổi đáng kể trong cách chống lạm phát của họ.

“Tóm lại, nếu không có sự xoay trục của FED, cổ phiếu có thể sẽ giảm tiếp. Ngược lại, nếu FED thay đổi chính sách hoặc nhà đầu tư tin vào điều đó, chứng khoán có khả năng quay đầu phục hồi”, Wilson nói.

Ở một diễn biến khác, Tổ chức Các nước xuất khẩu đầu mỏ OPEC+ đã xem xét cắt giảm sản lượng lên tới 1 triệu thùng/này, mức giảm lớn nhát kể từ khi đại dịch năm 2020 bùng phát. Việc giảm mạnh sản lượng được cho sẽ khiến giá đầu tăng lên.

Thông tin này đã khiến dầu WTI tăng 4,15% lên 82,79 USD/thùng. Dầu Brent giao sau cũng tăng 3,92% lên 88,48 USD/thùng.

Hiện tại, giá đầu đã sụt giảm kể từ tháng 6, khi mà áp lực từ các biện pháp chống dịch ở Trung Quốc dẫn tới nhu cầu năng lượng giảm xuống.


Tham khảo: CNBC

Chia sẻ Facebook