Dow Jones tăng 4 tuần liên tiếp dù mất hơn 100 điểm trong phiên

Chia sẻ Facebook
15/04/2023 22:54:52

Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào ngày thứ Sáu (14/4), nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, khi nhà đầu tư đánh giá báo cáo doanh số bán lẻ yếu kém đã làm giảm sự nhiệt tình xung quanh mùa báo cáo lợi nhuận.

Dow Jones tăng 4 tuần liên tiếp dù mất hơn 100 điểm trong phiên

Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào ngày thứ Sáu (14/4), nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, khi nhà đầu tư đánh giá báo cáo doanh số bán lẻ yếu kém đã làm giảm sự nhiệt tình xung quanh mùa báo cáo lợi nhuận.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones giảm 143.22 điểm (tương đương 0.42%) xuống 33,886.47 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.21% còn 4,137.64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.35% xuống 12,123.47 điểm.

Tuy nhiên, Dow Jones vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, cộng 1.2%. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận tuần tăng thứ 4 trong 5 tuần. S&P 500 tiến 0.79% trong tuần này, còn Nasdaq Composite tăng 0.29%.

Doanh số bán lẻ tháng 3 tại Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng giảm gấp đôi so với dự kiến. Cụ thể, doanh số bán lẻ giảm 1% trong tháng trước, nhiều hơn so với dự báo giảm 0.5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones, một phần vì người tiêu dùng trả ít tiền hơn cho nhiên liệu.


Dữ liệu doanh số bán lẻ gây thất vọng đã lấn át tâm lý phấn khích xung quanh báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ các công ty. JPMorgan Chase báo cáo doanh thu kỷ lục cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, với cổ phiếu ngân hàng này vọt hơn 7%. Cổ phiếu Wells Fargo nhanh chóng tăng 2.1% sau khi ngân hàng công bố lợi nhuận ngày càng tăng, trước khi khép phiên gần như đi ngang. Đây là những báo cáo lợi nhuận đầu tiên của ngành ngân hàng kể từ vụ phá sản của Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi tháng trước.

Ngoài ra, cổ phiếu UnitedHealth, vốn có tỷ trọng lớn nhất thuộc Dow Jones, mất 2.7% sau điều mà Mizuho miêu tả là “tăng và giảm nhẹ”. Đánh giá này được đưa ra sau khi UnitedHealth cho biết công ty đang chi nhiều tiền hơn cho các loại thuốc giảm cân và tiểu đường mới của Novo Nordisk và Eli Lilly.

Trong khi đó, cổ phiếu Boeing sụt hơn 5%. Vào ngày thứ Năm (13/4), hãng sản xuất máy bay này đã cảnh báo về sự chậm trễ giao hàng đối với một số máy bay 737 Max.

Kỳ vọng cho mùa báo cáo lợi nhuận này là thấp. Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv dự báo lợi nhuận thuộc S&P 500 giảm hơn 5% trong quý 1. Dự báo đó được đưa ra khi các công ty phải đối phó với lạm phát kéo dài và lãi suất cao.

Nhà đầu tư cũng đánh giá 2 báo cáo liên tiếp trong tuần này báo hiệu lạm phát hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất tháng 3, một thước đo chi phí mà các công ty phải trả, đã giảm 0.5% so với tháng trước, ngay cả khi các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo giá không thay đổi. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số này giảm 0.1% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.2% từ các chuyên gia kinh tế.


PPI , vốn được xem là chỉ báo hàng đầu về lạm phát tiêu dùng, đã thúc đẩy xu hướng lạm phát suy giảm được thấy trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 công bố vào ngày 12/4. Giá tiêu dùng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong gần 2 năm.

An Trần (theo CNBC)

Chia sẻ Facebook