Đốt rơm rạ cạnh khu dân cư, sân bay, cao tốc sẽ bị phạt 2,5-3 triệu đồng

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 01:21:25

Từ 25/8/2022, hành vi đốt rơm rạ không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền.

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định là việc bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại Điều 41.

Theo đó, hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng.

Việc bổ sung quy định này sẽ phần nào giải quyết được vấn đề đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường, giao thông và cuộc sống người dân những năm qua.

Đốt rơm rạ làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa

Cách đây 1 năm, sở TN&MT Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã công bố kết quả "Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng". Trong đó, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí như giao thông, xây dựng, làng nghề, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là nguồn đóng góp đáng kể. Đây là vấn đề gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do tính chất cục bộ, chất ô nhiễm tập trung trong thời gian ngắn (cao điểm trong 7-10 ngày).

Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.


“Điều đáng chú ý là khu vực thị trấn Sóc Sơn, trong đó có cả sân bay Nội Bài cũng là vùng chịu ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ. Vào các thời điểm đốt rơm rạ, khói bụi sinh ra đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn bay. Do vậy, cần phải có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa ô nhiễm từ nguồn này”, báo cáo nêu.


Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Xem văn bản tại ĐÂY .

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook