Đột nhiên điều tra rào cản thương mại của Đài Loan, ĐCSTQ muốn làm gì?

Chia sẻ Facebook
18/04/2023 20:43:36

Ngày 12/4, Bộ Thương mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo, kể từ ngày 12/4 họ sẽ điều tra về rào cản thương mại của Đài Loan đơn phương áp dụng đối với Đại Lục (Trung Quốc) liên quan đến 2455 sản phẩm, thời gian điều tra sẽ kéo dài nửa năm và trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến ngày 12/1/2024.

Tổng thống Thái Anh Văn ở Đài Bắc năm 2019. (Nguồn: glen photo/ Shutterstock)


ĐCSTQ hiếm khi tiến hành điều tra về vấn đề rào cản thương mại, dường như chỉ vào tháng 11/2011 ĐCSTQ mới mở cuộc điều tra trong việc Mỹ dùng chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo với biện pháp trợ cấp liên quan.


Nhưng điều tra đối với Đài Loan này có thể không chỉ nhằm mục đích gây chiến thương mại mà còn có ý đồ chính trị.


Thứ nhất, giai đoạn điều tra này trùng với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan đang nóng lên và thời hạn cuối cùng của cuộc điều tra là ngày 12/1/2024, tức là một ngày trước ngày bỏ phiếu tổng tuyển cử.


Thứ hai, Đài Loan đã cấm nhập khẩu hơn 2000 sản phẩm từ Trung Quốc, việc này đã kéo dài trong hơn 20 năm mà sao giờ mới điều tra?


Thứ ba, cuộc tập trận kéo dài 3 ngày quanh Đài Loan mới kết thúc vào ngày 10/4, vậy tại sao lại lập tức vội vàng mở cuộc điều tra về rào cản thương mại?


Do đó, việc điều tra các rào cản thương mại đối với Đài Loan không chỉ là phản ứng đối với việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh ở Mỹ để đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy, mà còn là động thái làm áp lực lớn nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử của Đài Loan và thúc đẩy chiến lược “Kỷ nguyên Mới” của ĐCSTQ đối với Đài Loan.


Như đã biết, báo cáo của Đại hội 20 ĐCSTQ có động thái hiếm khi nhắc lại rằng “sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực (đối với Đài Loan)” , đồng thời lần đầu tiên vấn đề “chống Đài Loan độc lập” được ĐCSTQ đưa vào Điều lệ Đảng. Điều này cho thấy “vũ lực” đã trở trọng tâm trong chính sách của ĐCSTQ đối với Đài Loan, theo đó các hoạt động như mặt trận thống nhất và kinh tế… phải xoay quanh. Do đó, dù báo cáo của Đại hội 20 ĐCSTQ vẫn khẳng định “tiếp tục thúc đẩy giao lưu và hợp tác kinh tế và văn hóa xuyên eo biển, đồng thời làm sâu sắc thêm hội nhập và phát triển xuyên eo biển” , nhưng rõ ràng đã vũ khí hóa chính sách kinh tế đối với Đài Loan.


Trong thời gian “lưỡng hội” (hai kỳ họp thường niên gồm Chính hiệp và Nhân đại của ĐCSTQ) vào tháng 3 vừa qua, trong số 35 nhóm công tác có nhóm công tác Đài Loan của Bộ trưởng Bộ Thương mại ĐCSTQ Vương Văn Đào, khi đó một số học giả Đài Loan coi động thái là một thông điệp đáng chú ý và dự đoán ĐCSTQ sẽ công bố các chính sách kinh tế và thương mại quan trọng đối với Đài Loan. Thật bất ngờ khi chính sách đó lại chính là “điều tra rào cản thương mại” ngay sau cuộc gặp Thái Anh Văn – McCarthy và cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan.


Một trong những ý định điều tra rào cản thương mại của ĐCSTQ là gây hấn kinh tế đối với Đài Loan.


Chúng ta biết rằng sau khi Chính phủ Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, liên lạc giữa chính phủ hai bên eo biển về cơ bản đã bị gián đoạn và ĐCSTQ đã nhúng tay vào kinh tế đối với Đài Loan. Đầu tiên là “củ cà rốt”, chẳng hạn như ban hành liên tiếp Điều 31 và Điều 26 về Biện pháp ưu đãi đối với Đài Loan… Trên cơ sở chính sách đơn phương ưu đãi thương mại cho Đài Loan, ĐCSTQ cao giọng ca ngợi nhằm “hội nhập và phát triển giữa hai bờ ” để thu hút kinh tế đối với Đài Loan. Thứ đến là “cây gậy” liên tục được tung ra: Như vào tháng 8/2019, tạm dừng cho người Trung Quốc du lịch cá nhân đến Đài Loan; và kể từ năm 2021, ngừng nhập khẩu từ Đài Loan các loại hoa trái như dứa, ngó sen, mãng cầu, cam quýt và cá mú… với lý do không qua được kiểm dịch; từ tháng 12/2022, lại cho tạm dừng nhập khẩu từ Đài Loan nhiều mặt hàng thủy sản, nước giải khát và rượu với lý do “thông tin đăng ký không đầy đủ”…


Nhưng hiệu quả của các biện pháp này là phức tạp và hạn chế.


Xét về “củ cà rốt”, khả năng hấp thụ kinh tế của ĐCSTQ thực sự đáng kinh ngạc về mặt thống kê. Ví dụ, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ, thương mại hàng hóa qua eo biển đã tăng từ 7,41 tỷ USD năm 1992 lên 319,678 tỷ USD vào năm 2022, [trong đó] xuất khẩu của Đài Loan sang Đại Lục và Hồng Kông chiếm khoảng 40% và đạt thặng dư thương mại rất lớn (năm 2022 đạt 156,505 tỷ USD). Nếu không có thặng dư thương mại với Đại Lục thì vào năm 2022 Đài Loan sẽ thâm hụt thương mại 104,583 tỷ USD, như vậy có thể thấy nền kinh tế Đài Loan bị gắn chặt vào Đại Lục.


Nhưng mặt khác nền kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào Đài Loan. Nói vấn đề này không chỉ nhằm vào sản phẩm không thể thiếu là chip của Đài Loan (dữ liệu hải quan cho thấy chip là sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất từ Đài Loan sang Trung Quốc Đại Lục). Quan trọng hơn, từ góc độ chu kỳ thương mại quốc tế của Trung Quốc, các nguồn thặng dư chính của Trung Quốc là Mỹ, châu Âu và ASEAN, còn nguồn thâm hụt chính là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản; có nghĩa là Trung Quốc nhập khẩu máy móc chính xác và linh kiện điện tử tinh vi để lắp ráp thành các sản phẩm điện tử đầu cuối nhằm xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Nói cách khác, một khi quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển đổ vỡ thì sẽ gây tổn hại lớn cho ngoại thương của ĐCSTQ, do đây là vấn đề chiến lược liên quan đến cục diện chung nên ĐCSTQ không dám hành động hấp tấp.


Xin trích dẫn lại báo cáo do Goldman Sachs công bố vào tháng 8/2022: Khoảng 70% hàng xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc là các sản phẩm công nghệ có số loại sản phẩm là 85, gấp đôi tỷ lệ xuất khẩu của Đài Loan về sản phẩm này sang các nơi khác. Đồng thời, với vị thế thống trị của Đài Loan trong công nghiệp bán dẫn toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng của Đài Loan vào chế biến sản phẩm công nghệ tại Trung Quốc, bất kỳ sự gián đoạn thương mại xuyên eo biển nào trên diện rộng sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, bao gồm cả đối với Trung Quốc.


Về mặt “cây gậy”, xuất khẩu nông sản chỉ chiếm 1% kim ngạch thương mại qua eo biển của Đài Loan nên tác động kinh tế thực tế của lệnh cấm vận mà ĐCSTQ tung ra với Đài Loan là không lớn, chủ yếu là tác động tâm lý, nhưng đã được xã hội Đài Loan hóa giải. Ngày 13/12/2022, Chủ tịch Trần Cát Trọng (Chen Jizhong) của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho hay, trái cây của Đài Loan không “ảm đạm” vì lệnh cấm của Trung Quốc mà đã biến khủng hoảng thành cơ hội, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và mở ra các thị trường mới nổi khác. Ví dụ, xuất khẩu trái cây tươi và đông lạnh của Đài Loan từng phụ thuộc tới 80% vào thị trường Trung Quốc, nhưng vào năm 2022 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,7%. Theo thống kê của chính phủ Đài Loan, năm 2022 (tính đến tháng 11) ba nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu của Đài Loan là Mỹ (17,8%), Nhật Bản (16,5%) và Trung Quốc (13,1%). So sánh trước đó trong cùng kỳ năm 2021 thì Trung Quốc vẫn còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Đài Loan, chiếm gần 20%.


Nói cách khác, ĐCSTQ rất muốn dùng “cây gậy” kinh tế đối với Đài Loan, nhưng kết quả cho đến nay vẫn không thể làm được như kỳ vọng của họ.


Ngay từ năm 2020, một số học giả ĐCSTQ đã đưa ra lời khuyên: điều chỉnh chính sách kinh tế và thương mại của Đại Lục đối với Đài Loan, đồng thời xác định rõ mục tiêu của chính sách “ưu đãi Đài Loan ” là “[ưu đãi] đồng bào Đài Loan ”, đặc biệt là đồng bào Đài Loan đến Đại Lục để phát triển. Ngoài ra ĐCSTQ cũng đề xuất biện pháp nên sớm điểu chỉnh đối với vấn đề “không công bằng ”: Có 2378 mặt hàng nông sản và công nghiệp của Trung Quốc không được phép nhập vào Đài Loan, cho dù cả hai bên eo biển đều là thành viên của WTO.


Biện pháp cụ thể liên quan đó đang được ĐCSTQ thúc đẩy, nhưng có thể đi bao xa thì e rằng ĐCSTQ cũng không thể tính được. Tại sao? Điều quan trọng là ĐCSTQ không chiếm được ưu thế. Bề ngoài “chiêu trò” xem như nhằm mục tiêu thu hút kinh tế từ Đài Loan, nhưng thực chất phản ánh là thực trạng phụ thuộc của Trung Quốc vào ngành công nghệ của Đài Loan, trong khi đối với Đài Loan thì lựa chọn cách ứng phó luôn sẵn hơn chính sách của ĐCSTQ, chẳng qua chính quyền Đài Loan biết kiềm chế hơn. Một khi Đài Loan bị đẩy vào tình thế phải bắt đầu gây chiến kinh tế thì Trung Quốc không chắc có được lợi thế.


Hơn nữa, quan hệ kinh tế giữa hai bờ đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Ví dụ. Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, năm 2022 đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5,05 tỷ USD. Tổng đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc trong 4 năm qua chưa bao giờ vượt quá 6 tỷ USD, chưa bằng một nửa số tiền mà trước đó một thập niên doanh giới Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc. Một ví dụ khác, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ cho thấy, năm 2022 khối lượng thương mại giữa hai bờ eo biển giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Đài Loan của Trung Quốc giảm 4,6%.


Thực trạng chia cắt kinh tế giữa hai bờ eo biển là điều mà ĐCSTQ không muốn chứng kiến. Nếu ĐCSTQ cưỡng bức nền kinh tế Đài Loan một cách mù quáng thì không chỉ đẩy người dân Đài Loan ra xa hơn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Trung Quốc. Từ góc độ này, miễn là chính quyền Đài Loan có phản ứng thích đáng, cuộc điều tra về rào cản thương mại đối với Đài Loan này sẽ khiến ĐCSTQ tự đưa vào thế “cưỡi trên lưng cọp”.


Vương Hách
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times .)

Cao Nghĩa: Nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã cạn kiệt tài chính Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt là 3 năm zero-COVID, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp khủng hoảng tài chính.

Chia sẻ Facebook