Dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng góp phần duy trì việc làm ổn định
Báo cáo Nâng cấp lực lượng lao động của HSBC cho thấy Việt Nam chuyển dịch đáng kể từ một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thành một trung tâm sản xuất nổi bật.
Chặng đường phía trước để phục hồi thị trường lao động
Báo cáo của HSBC cho biết, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại sau Covid, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp Quý 3 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid xảy ra.
Nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ đã hồi sinh đáng kể. Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng.
Trong ngành sản xuất, Việt Nam chủ yếu thu hút các công việc thủ công như lắp ráp linh kiện, xuất phát từ việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về lương.
Một yếu tố khác là mức độ phổ cập giáo dục phổ thông cho người dân Việt Nam ở mức cao nhờ những cải cách giáo dục thành công của chính phủ trong giai đoạn những năm 2000 và những năm 2010.
Sau khi Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, chính phủ có thể đánh giá lại những nỗ lực nhằm đầu tư cho nguồn nhân lực để cải thiện năng suất lao động vốn là vấn đề mang tính cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh dân số bắt đầu già đi.
Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, gần đây đã đầu tư thêm 300 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Một tên tuổi lớn trong ngành phần mềm giá trị gia tăng cao, Synopsys, cũng vừa công bố sẽ mở rộng hoạt động thiết kế bộ vi xử lý và quan trọng hơn là chuyển một phần chương trình đào tạo kỹ sư sang Việt Nam.
Dòng vốn FDI ổn định vào Việt Nam cũng góp phần duy trì việc làm, Tổng cục Thống kê ghi nhận tỷ lệ lao động có việc làm chính thức tăng hơn so với phi chính thức.
Những bước phát triển của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực. Sự hỗ trợ, phục hồi và cải thiện của thị trường lao động rất đáng khích lệ nhưng những kết quả này có được chủ yếu là do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Về lâu dài, trọng tâm cần đặt vào những biện pháp khác nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động Việt Nam nhằm thúc đẩy năng suất và duy trì đà tăng trưởng.
Thách thức từ lạm phát
Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, báo cáo của Chính phủ đã nhắc đến tăng trưởng GDP trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 8%, vượt mục tiêu chính thức 6,5%. Mục tiêu cho năm tới cũng mạnh mẽ không kém so với các nước châu Á với mục tiêu GDP 6,5% và tỷ lệ lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2023.
Về mặt tài khóa, thu ngân sách cho năm nay được điều chỉnh tăng 202 nghìn tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô tăng lên. Với mức chi dự kiến sẽ ở mức 2.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách năm 2022 do chính phủ ước tính sẽ ở mức khoảng 4,5% GDP.
Lạm phát toàn phần tháng 10 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra và phù hợp với dự báo của HSBC (HSBC: 4,3%, Bbg: 4,4%).
Giá thực phẩm tiếp tục tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và phần nào phản ánh tác động của một số cơn bão và tình trạng mất mùa.
Nhà cửa và xây dựng cũng tăng đáng kể, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và thể hiện xu hướng tăng trong nhu cầu thuê, dịch vụ sửa chữ và vật liệu nhà cửa.
Trong khi chi phí vận tải không đóng góp nhiều vào tăng trưởng lạm phát toàn phần so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá xăng vẫn ở mức thấp hơn từ đầu năm nay, quan sát dữ liệu liên tục cho thấy giá cũng bắt đầu tăng nhẹ.
Như vậy, những sự kiện này nhấn mạnh rủi ro về tăng giá và HSBC dự đoán lạm phát sẽ còn vượt mức 4% trong vài quý tới.
Tú Anh