Đồng USD tăng giá: Thủ phạm khiến chứng khoán cắm đầu lao dốc, nền kinh tế thế giới giảm tốc
Số liệu của IIF cho thấy khoảng 4 tỷ USD nguồn vốn đã bị rút khỏi thị trường chứng khoán các nước mới nổi riêng trong tháng 4/2022.
Theo hãng tin Bloomberg, đồng USD tăng giá đang đẩy nền kinh tế thế giới vào cảnh giảm tốc tăng trưởng do khiến chi phí tín dụng đi lên cũng như gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Cụ thể, đồng USD đã tăng 7% kể từ tháng 1/2022 lên mức cao nhất 2 năm qua sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm chống lạm phát, còn các nhà đầu tư thì đổ tiền tích trữ USD trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Hãng tin Bloomberg nhận định việc FED tăng lãi suất có thể giúp hạ nhiệt lạm phát cũng như hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của người dân thông qua hàng nhập khẩu. Thế nhưng động thái này lại làm tăng giá hàng nhập khẩu của các nước khác và khiến giá cả tăng cao, đi kèm với sự xói mòn nguồn vốn ngoại hối.
Đây là một tín hiệu chẳng vui vẻ gì với những nền kinh tế mới nổi khi họ buộc phải lựa chọn giữa việc chấp nhận đồng tiền mất giá so với USD để mua hàng đắt hơn hoặc cũng nâng lãi suất để bảo toàn kho dự trữ ngoại hối của mình.
Trong tháng 5/2022, cả Ấn Độ và Malaysia đã bất ngờ nâng lãi suất. Thậm chí Ấn Độ còn trực tiếp can thiệp vào thị trường để ổn định tỷ giá ngoại tệ.
Tương tự, các nền kinh tế phát triển cũng đang phải đau đầu vì đồng USD tăng giá. Trong tuần trước, đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua, đồng Franc Thụy Sĩ giảm xuống ngang bằng đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Đồng Yên Nhật cũng xuống mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD.
"Động thái nâng lãi suất của FED đang khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới phải đau đầu vì nó gây ra đà rút vốn cũng như hạ giá đồng nội tệ", chuyên gia kinh tế trưởng Tuuli McCully của Scotiabank chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Mặc dù về lý thuyết, kinh tế Mỹ giảm tốc đi kèm lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến đồng USD giảm giá trở lại nhưng theo hãng tin Bloomberg, sẽ cần vài tháng để có thể cảm nhận được sự đi xuống này để cân bằng lại các chính sách.
Chứng khoán, tỷ giá chịu ảnh hưởng
Cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ Clay Lowery, nay là Phó chủ tịch Viện nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF), cho biết những nền kinh tế đang phát triển hiện phải đối mặt với rủi ro từ sự "mất cân bằng tiền tệ", vốn diễn ra khi chính phủ, tập đoàn và các tổ chức tài chính vay nợ bằng đồng USD nhưng cho vay lại trong nước bằng đồng nội tệ.
Báo cáo của IIF cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đi ngang khi Châu Âu rơi vào suy thoái, Trung Quốc giảm tốc còn Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng quan điểm, Morgan Stanley cũng cho rằng tăng trưởng năm nay của kinh tế thế giới sẽ chưa bằng một nửa so với năm 2021.
Bên cạnh đó, việc kinh tế toàn cầu bất ổn do đứt gãy chuỗi cung ứng vì Trung Quốc phong tỏa chống dịch, xung đột địa chính trị Ukraine... sẽ khiến nhà đầu tư đổ tiền vào các tài sản trú ẩn như đồng USD. Từ đó, những nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ càng chịu biến động, rủi ro cao hơn.
"Nền kinh tế Mỹ luôn là nơi trú ẩn an toàn, bởi vậy với việc lãi suất tăng, ngày càng nhiều nguồn vốn sẽ rút từ nước khác đổ vào Mỹ. Thế nhưng đó lại là tổn thất với những nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới", ông Lowery cho biết.
Số liệu của IIF cho thấy khoảng 4 tỷ USD nguồn vốn đã bị rút khỏi thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi trong tháng 4/2022. Hệ quả là đồng tiền các thị trường mới nổi giảm mạnh, trái phiếu của các nước mới nổi Châu Á mất tới 7% giá trị trong năm nay, cao hơn cả thời điểm năm 2013 khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ.
"Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có ảnh hưởng lan rộng đến phần còn lại của thế giới. Điều đáng lo ngại là vị thế của những nền kinh tế còn lại yếu hơn nhiều so với Mỹ", chuyên gia Rob Subbaraman của Nomura Holding lo ngại.
Chi phí sản xuất tăng cao
Tuy nhiên, những điều trên chưa phải tồi tệ nhất. Hãng tin Bloomberg cho biết nhiều nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm lợi nhuận khi đồng nội tệ mất giá làm tăng chi phí nhập khẩu.
Tập đoàn Toyota Motor Corp mới đây đã dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ giảm 20% trong năm tài khóa này bất chấp doanh số bán ô tô hồi phục trở lại. Nguyên nhân chính là do chi phí logistic, nguyên vật liệu tăng quá cao.
Tương tự, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá mạnh khi nguồn vốn rút khỏi thị trường tài chính nước này ở mức kỷ lục. May mắn thay, do lạm phát được giữ ở mức thấp nên Trung Quốc đã tránh được phần nào tác động từ đồng USD tăng giá, qua đó có thể thực hiện những chính sách kích thích kinh tế thay vì phải tăng lãi suất.
Thế nhưng theo Bloomberg, việc Trung Quốc kích thích kinh tế trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ mất giá càng khiến nhiều đối tác thương mại chịu ảnh hưởng khi hàng xuất khẩu sang thị trường này không còn được giá như trước.
Đối với các nền kinh tế phát triển, việc FED nâng lãi suất càng khiến những ngân hàng trung ương từ Nhật bản, Châu Âu cho đến Anh đều đau đầu. Đích thân thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), ông Francois Villeroy de Galhau đã phải thốt lên rằng "đồng Euro quá yếu sẽ đi ngược lại chính sách ổn định lạm phát hiện nay".
"Đồng nội tệ yếu sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, qua đó đẩy lạm phát vượt mức 2% mục tiêu của ngân hàng trung ương. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất) có thể đối phó được với tình hình lạm phát đi lên nhưng chúng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế (lãi suất cho vay, bất ổn thị trường tài chính, bất động sản...)", chuyên gia kinh tế trưởng Dario Perkins của TS Lombard tại London đồng quan điểm.
*Nguồn: Bloomberg
Huyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế