Đồng USD tăng giá tạo hiệu ứng 'lở tuyết' với kinh tế nhiều quốc gia
Việc đồng USD tăng giá nhanh đang khiến nhiều nước khó kiềm chế lạm phát. Tác động từ đồng tiền Mỹ đang tạo hiệu ứng 'lở tuyết' đối với các đồng tiền và kinh tế của các quốc gia khác.
Năm 1971, bộ trưởng tài chính khi đó của Mỹ, ông John Connally, từng nói với các đồng minh khi đồng USD suy yếu rằng: "Đồng tiền của chúng tôi nhưng vấn đề của các anh".
Câu nói đó vẫn đúng trong bối cảnh hiện tại khi "đồng bạc xanh" đang tăng giá kỷ lục, tăng 6% trong tháng 4-2022 và 13% trong vòng 12 tháng qua, mức tăng cao nhất trong 2 thập kỷ gần đây so với các đồng tiền phổ biến trên thế giới.
USD thường là nơi các nhà đầu tư tìm đến trú ẩn trước các cú sốc tài chính toàn cầu như đại dịch COVID-19 hay mới đây là xung đột Nga - Ukraine. Đồng tiền này cũng thống trị so với hầu hết mọi đồng tiền khác tại các nước đang phát triển lẫn phát triển.
Nhưng điều này cũng gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách khắp thế giới trong việc bảo vệ đồng tiền và nền kinh tế nước mình, chiến lược gia Marcus Ashworth nhận định trên Hãng tin Bloomberg.
Chính sách tiền tệ của Mỹ được điều chỉnh theo vấn đề trong nước. Với lạm phát tăng cao kỷ lục như hiện nay, tăng 8,5% vào tháng 3-2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất từ cuối tuần này.
Giới phân tích dự đoán Mỹ có thể tăng lãi suất từ 0,5% hiện tại lên 2,5% vào cuối năm. Đồng USD tăng giá cũng giúp Mỹ kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, việc USD tăng giá lại là vấn đề của nhiều nước vì tất cả các mặt hàng chính đều định giá bằng đồng tiền này.
"Sự tăng giá của đồng USD giống như một trận lở tuyết dốc. Cũng giống như lở tuyết cuốn theo đá, cây cối và mọi thứ trên đường đi, đồng USD tăng giá khiến nhiều đồng tiền khác suy yếu", ông Kit Juckes, chiến lược gia tiền tệ của tổ chức Societe Generale SA, nhận định.
Theo ông Juckes, các biện pháp thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu tiếp nối sau đó sẽ làm tăng các rủi ro về kinh tế.
Tại châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, sự suy yếu của các đồng tiền khác đang đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh các nước đang đối mặt với lạm phát "nhập khẩu". Rõ ràng, việc giá cả tăng có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến mức có thể xảy ra suy thoái.
Dù kinh tế Mỹ hiện tại hầu như miễn nhiễm với các cú sốc như năng lượng, thực phẩm nhờ sản xuất trong nước, vấn đề của đồng USD có thể tác động ngược lại nền kinh tế nước này.
Cục Dự trữ liên bang (FED) Mỹ dự kiến tăng lãi suất lên thêm 0,5 điểm % tại cuộc họp ngày mai 4-5. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 trong bối cảnh lạm phát tại nước này ngày càng trầm trọng.