Đồng USD có tuần giảm mạnh
Đồng USD vừa có tuần giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch và có thể duy trì trong thời gian tới nhưng khó giảm sâu, theo chuyên trang tài chính Bloomberg.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đang giảm tỷ trọng nắm giữ đồng bạc xanh và chuyển sang nắm thêm đồng Yen Nhật.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm khoảng 3,5% trong tuần qua, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
USD hiện có giá thấp hơn 6% so với mức đỉnh kỷ lục đạt được vào cuối tháng 9, trong khi đó đồng Yen được hưởng lợi chính khi tăng tới 5% trong tuần.
Tương tự, chỉ số USD Index (DXY), đo sức mạnh của USD trong một rổ các đồng tiền lớn cũng đi xuống, đạt mức 106,42 phiên cuối tuần. USD Index càng cao cho biết USD càng có giá so với các đồng tiền khác.
Báo cáo lạm phát tháng 10 đã khiến đà tăng của đồng bạc xanh chững lại trong tuần qua. Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến.
CPI của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 10 cho thấy lạm phát cơ bản đang hạ nhiệt. Đây là tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể, lạm phát trong tháng 10 ở Mỹ đã giảm xuống 7,7% từ 8,2% trong tháng 9. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ thông báo tốc độ tăng giá các mặt hàng cũng đã chậm lại và chỉ tăng 0,4%.
Giới phân tích cho rằng đồng USD có thể tiếp tục chịu áp lực trong những tuần tới, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng FED sẽ bắt đầu nâng lãi suất với mức thấp hơn, có thể là 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 tới.
"Thị trường tin rằng FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 xuống còn 0,5 điểm % và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 3", Edward Moya, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ), nhận định.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm %, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75 - 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, FED đều tăng lãi suất 0,75 điểm %.
Đồng USD yếu đi giúp giá Euro đã vượt ngưỡng 1 USD đổi 1 Euro. Tỷ giá GBP/USD cũng tăng lên mức 1,18329 USD trên mỗi Bảng Anh. Đồng tiền của New Zealand và Australia đều tăng giá trị so với USD.
Chứng khoán Mỹ và thị trường vàng cũng hưởng lợi. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 32,49 điểm lên 33.747 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong gần 3 tháng. Chỉ số Nasdaq đạt 11.323 điểm, còn chỉ số S&P 500 tiến sát ngưỡng 4.000 điểm.
Đồng bạc xanh có thể sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định đồng USD sẽ giảm trong dài hạn bởi vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định FED đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Bên cạnh đó, thị trường chưa có nhiều lựa chọn thay thế cho đồng USD vào thời điểm hiện tại. Nói cách khác, đồng USD có thể đã đạt đỉnh, nhưng vẫn chưa thể khẳng định xu hướng giảm trong dài hạn. Đồng bạc xanh được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lạc quan vào cuối năm nay.
Vùng hỗ trợ của chỉ số DXY trong tuần này là 107 - 106. Chỉ số này cần duy trì trên mức 106 để tránh giảm mạnh hơn trong thời gian tới. Ngược lại, trong trường hợp chỉ số DXY đạt mốc 110, nó có thể tiếp tục tăng trở lại vùng 113 - 114.
Đồng USD hôm nay (9/11) giảm sâu, chỉ số đo lường biến động USD mất mốc 110 điểm.