“Dòng tiền xoay chuyển không kéo nổi nhóm cổ phiếu nào”
“Dòng tiền xoay chuyển không kéo nổi nhóm cổ phiếu nào”
Theo chuyên gia, hiện nay, dòng tiền trên thị trường luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu mà chưa tìm được nhóm đủ mạnh để vượt qua vùng kháng cự…
Bình luận được ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á chia sẻ với Nhịp sống doanh nghiệp xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay?
Thị trường đang giao dịch trong vùng kháng cự 1.260-1.280 điểm, quanh vùng kháng cự tương đối mạnh. Hiện giờ có rất ít thông tin hỗ trợ cho thị trường, lợi nhuận doanh nghiệp đã công bố, tăng trưởng GDP quý 3 đã được dự báo, thông tin lạm phát ở Mỹ suy giảm có kích thích dòng tiền…
Có thể thấy tính thanh khoản thị trường bấp bênh không bền. Khi thị trường lên vùng quanh 1.270-1.280 điểm lập tức xuất hiện áp lực chốt lời khá mạnh, là một cản trở khi thị trường tăng lên vùng kháng cự, thanh khoản không đủ mạnh, về nguyên tắc thị trường có nhịp điều chỉnh để tích lũy lại.
Trong suốt tuần qua hầu như thị trường giao dịch theo hướng không có dòng cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường vượt qua vùng kháng cự. Đa số dòng tiền luân chuyển từ nhóm này qua nhóm kia, từ ngân hàng, bất động sản, rồi thủy sản… mỗi nhóm được một vài phiên, cuối cùng dòng tiền không tìm được nhóm đủ mạnh để vượt qua vùng kháng cự.
Diễn biến thị trường vừa qua theo mô hình phân phối nhẹ ở vùng kháng cự, cho nên kịch bản tuần mới khả năng thị trường lùi test lại vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm là phù hợp.
Ông đánh giá ra sao về việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2?
Về thông tin giảm thời gian thanh toán, tôi cho rằng có hai mặt. Điều này có thể giúp gia tăng thanh khoản, thay vì phải chờ đến ngày kế tiếp thì nhà đầu tư có thể bán trong phiên chiều. Nhưng trong trường hợp thị trường yếu thì áp lực chỉnh càng gia tăng hơn, gia tăng thanh khoản thì gia tăng lực bán.
Nhận định của ông về 2 nhóm vốn hóa lớn là ngân hàng, bất động sản?
Có điểm chúng ta có thể nhìn thấy, chính sách room tín dụng hiện đang bóp chặt, hầu như trong nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản chịu áp lực lớn. Trên thị trường, nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, trên 30%. Trong khi hai nhóm này lại chịu tác động mạnh từ room tín dụng bị kiểm soát chặt. Lợi nhuận của nhóm ngân hàng quý 3 có thể giảm mạnh so với quý 1 và 2.
Nhóm bất động sản hiện khát vốn, không chỉ gặp khó trong tiếp cận vốn ngân hàng mà việc phát hành trái phiếu cũng bị kiểm soát chặt. Cho nên ngoại trừ doanh nghiệp bất động sản có dòng tiền, sản phẩm tốt mới kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp không có sản phẩm tốt, dòng tiền yếu, nợ nhiều, thì cuối quý 3 đầu quý 4 chịu tác động lớn.
Nếu nhìn kết quả cho quý 3 đầu quý 4, bỏ qua tăng trưởng GDP thì thị trường có nhiều áp lực. Nhóm thủy sản, phân bón bị suy giảm từ tháng 4 khi giá cả đi xuống, đang trong giai đoạn tích lũy chưa thể quay trở lại vì các chính phủ trên thế giới ở trạng thái chống lạm phát quyết liệt.
Tuy nhiên trong nhóm bất động sản vẫn có phân khúc bất động sản công nghiệp tạo được sức hấp dẫn, ông có đồng quan điểm?
Đúng là trong bất động sản nói chung thì bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng. Nhưng chính vì là điểm sáng nên giá cổ phiếu nhóm này đã tăng đáng kể, VGC, KBC… đều tăng từ 40-50%, có cổ phiếu tăng 100%…
Lợi thế bất động sản KCN thực sự đã phản ánh vào giá, nhưng tiềm năng vẫn còn tốt. Mảng bất động sản KCN còn hướng đi dài chứ không chỉ 2022, bởi vì thông tin dịch chuyển đầu tư sản xuất từ Trung Quốc.
Lợi thế nằm ở chỗ gói 350.000 tỷ hiện chúng ta chỉ giải ngân khoảng 30%. Nếu kịch bản như dự báo là tăng trưởng GDP quý 3 tốt, quý 4 suy giảm thì năm nay kế hoạch tăng trưởng GDP Quốc hội giao cho Chính phủ đã đạt được. Kích cầu nếu có thể tăng mạnh vào quý 4 thì mảng đầu tư công hút lại dòng tiền, đẩy mạnh tốc độ giải ngân, là cơ hội mở ra cho bất động sản KCN. Chính phủ khi đầu tư sẽ hướng vào cơ sở hạ tầng, là yếu tố quan trọng hút nhà đầu tư đầu tư vào mở rộng bất động sản KCN.
Ông đưa ra kịch bản ra sao cho VN-Index trong ngắn hạn?
Quý 4 dòng tiền sẽ tập trung vào nhóm bán lẻ, đầu tư công… là những nhóm hút dòng tiền xa hơn. Quý 3 nới room ngân hàng dường như là không có, quý 4 có thể quay lại câu chuyện này. Tuy nhiên nếu quý 4 mở room thì bất động sản dân dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, dòng tiền cũng hướng vào bất động sản KCN nhiều hơn.
Ngân hàng hiện gặp khó về room tín dụng, hiện nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ, bán bảo hiểm, triển khai các dịch vụ khác để bù cho nguồn thu từ room tín dụng. Bất động sản dân dụng khá khó khăn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu kêu khó về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp gặp áp lực vào cuối quý 4/2022 đầu quý 1/2023 là thời gian đáo hạn trái phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Như đề cập ở trên, đa số dòng tiền hiện nay xoay chuyển qua lại từ nhóm này qua nhóm kia nhưng không kéo được một nhóm nào. Điều này cho thấy dòng tiền trên thị trường hiện nay ở trạng thái khá thận trọng. 2 nhóm tỷ trọng nhất là ngân hàng, bất động sản, mà 2 nhóm này nhìn xu hướng quý 3 chưa thấy điểm sáng. Tôi cho rằng thời gian ngắn chỉ số VN-Index khó bứt mạnh trên 1.300 điểm.
Cảm ơn ông!