Dòng tiền tỷ USD sôi sục, VN-Index bứt phá, nhóm FLC tiếp tục giảm mạnh
Dòng tiền tục tục đổ mạnh vào bắt đáy khi thị trường xuống thấp, qua đó giúp cổ phiếu nhiều nhóm ngành, trong đó có các mã blue-chips tăng mạnh và VN-Index bứt phá. Cổ phiếu FLC và ROS của ông Trịnh Văn Quyết vẫn giảm sàn.
Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động trong phiên sáng và đầu giờ chiều 29/3 sau khi ghi nhận một lượng tiền rất lớn - trên 39 nghìn tỷ đồng - đổ vào bắt đáy. Phiên ngày 28/3 giảm mạnh 28/3 do tác động của những thông tin lan truyền trên mạng liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Sau khi giảm hơn 15 điểm, ngày 29/3, chỉ số VN-Index quay đầu bứt phá hơn 11 điểm với sức cầu bắt đáy xuất hiện ở cổ phiếu nhiều nhóm ngành, trong đó có ngân hàng, tài chính, bất động sản và cả nhóm FLC.
Tuy nhiên, hai mã chủ chốt trong hệ sinh thái FLC của ông Trịnh Văn Quyết là FLC và ROS tiếp tục giảm sàn với dư bán rất lớn, tổng cộng khoảng 120 triệu đơn vị.
Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ giúp nhóm cổ phiếu trụ cột tăng nhanh như: Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Vinhomes (VHM), Thế Giới Di Động (MWG), Tập đoàn FPT,...
Kết thúc phiên giao dịch sáng 29/3, nhiễu mã tăng mạnh như Bảo Việt (tăng 1.000 đồng lên 59.500 đồng/cp); Thế Giới Di Động (tăng 2.400 đồng lên 146.400 đồng/cp); Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (tăng 2.400 đồng lên 110.600 đồng/cp)...
Nhóm bất động sản và xây cũng diễn biến tích cực với nhiều mã tăng mạnh sau một phiên giảm sâu trước đó như: QCG, VPH, CII, DIG, DXG.
Nhóm vận tải biển bứt phá với nhiều mã tăng trên 5% như: VOS, DXP, GMD, VNA, TMS... trong bối cảnh giá vận tải trên thế giới tăng mạnh.
Nhóm ngành công nghệ thông tin cũng tăng mạnh.
Trong dòng cổ phiếu “họ FLC”, lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số mã như HAI, AMD, ART, KLF,... qua đó giúp các cổ phiếu này thoát sàn. Tuy nhiên, ROS và FLC vẫn bị bán ra rất mạnh sau khi có thông tin liên quan tới việc ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh.
Chốt phiên giao dịch 29/3, chỉ số VN-Index tăng 14,58 điểm lên 1.497,76 điểm. HNX-Index tăng 6,35 điểm lên 461,24 điểm. Thanh khoản đạt 28,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 23,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
TTCK phản ứng tích cực sau khi Tổng cục Thống kê báo tăng trưởng kinh tế quý I/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với mức tăng trong quý I của 2020 và 2021 nhưng vẫn thấp hơn năm 2019.
Theo SSI Research, dòng tiền có thể quay lại hệ thống ngân hàng khi mà nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021. Lãi suất liên ngân hàng đang được duy trì ở mức cao.
Khối ngoại có dấu hiệu hoạt động tích cực hơn trên TTCK. Về dài hạn, các DN Việt Nam được dự báo tăng trưởng trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn khá sáng sủa. Những tác động về địa chính trị hay là lạm phát cao trên thế giới chỉ là những tác động ngắn hạn. Về trung và dài hạn, TTCK toàn cầu cũng như Việt Nam vẫn được xem là kênh sinh lời tốt.
Theo SSI Research, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy. Trong năm 2021, lãi suất giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Do đó, lãi suất năm 2022 khó giảm thêm và có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn tín dụng tăng để phục vụ sản xuất sau đại dịch, đặc biệt vào nửa cuối 2022.
Gần đây, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn. Lãi suất huy động của các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Mức lãi suất cao nhất hiện nay từ 7-7,6%/năm cho các khoản gửi giá trị lớn vài trăm tỷ, cho kỳ hạn thường trên 12 tháng.
Chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 30-50 điểm phần trăm dựa trên nhu cầu huy động vốn tăng và áp lực lạm phát cao cũng như sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác.
Việt Nam chịu áp lực lạm phát bởi Covid-19 muộn hơn so với các quốc gia khác. Cho nên, tới thời điểm hiện tại, lạm phát vẫn ở mức khá thấp và được dự báo sẽ ở mức 3-4% trong năm 2022, chưa tính đến yếu tố khó lường về cuộc chiến Nga-Ukraine .