Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vận động ra sao trong năm Nhâm Dần?
Năm Nhâm Dần vừa qua, dòng tiền trên sàn chứng khoán vận động ra sao? Đâu là nhóm ngành được dòng tiền chú ý nhiều nhất?
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vận động ra sao trong năm Nhâm Dần?
Tiếp nối cơn sốt tiền rẻ của năm 2021, những tháng đầu năm 2022, dòng tiền trên thị trường vẫn rất dồi dào. Bình quân tháng 2 và tháng 3 lần lượt đạt 25.6 ngàn và 30 ngàn tỷ đồng - cao hơn mức bình quân cả năm trước đó (gần 25 ngàn tỷ đồng). Nhưng đây là mức đỉnh của thanh khoản trong năm. Cơn sóng cuối cùng đổ ập xuống và dòng tiền dần rút ra. Thanh khoản giảm về mức chỉ còn dưới 15 ngàn tỷ đồng/phiên.
Trong năm qua, thị trường chứng khoán chịu nhiều tác động từ các yếu tố vĩ mô như rủi ro lạm phát toàn cầu, Fed tăng lãi suất hay chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
Trong nước, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các sự kiện như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát; quá trình thanh lọc sai phạm trên TTCK như sự kiện FLC; áp lực tỷ giá và lạm phát dẫn đến trạng thái thắt chặt thanh khoản và mặt bằng lãi suất tăng cao; đầu tư công giải ngân chậm… đã gia tăng áp lực, khiến TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường có diễn biến tiêu cực nhất toàn cầu. Từ đó, dòng tiền có xu hướng rời bỏ khỏi thị trường.
Mãi cho đến tháng 11 - 12/2022, dòng tiền mới hồi phục nhờ khối ngoại đẩy mạnh giải ngân. Chỉ trong 2 tháng cuối năm, khối ngoại mua ròng 32.1 ngàn tỷ đồng, từ đó, ghi nhận mua ròng hơn 30.2 ngàn tỷ đồng cho cả năm 2022 (tính trên 2 sàn niêm yết).
Tới nửa đầu tháng 1/2023 (tính tới 13/01), ngay trước tết Nguyên đán, giá trị giao dịch bình quân chỉ còn ở mức 8.6 ngàn tỷ đồng/phiên.
Nhìn lại năm qua, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, kim loại và xây dựng là 5 nhóm chủ đạo trong cơ cấu dòng tiền. Giá trị giao dịch của 5 nhóm này thường chiếm từ trên 50 - 70% trong tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường.
Cổ phiếu ngành bất động sản giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu dòng tiền toàn thị trường. Trong năm Nhâm Dần, nhóm này duy trì tỷ trọng trong tổng giá trị khớp lệnh ở mức 20%. Chỉ trong tháng cuối năm, tỷ trọng này giảm xuống còn 17.3%, nhường vị trí dẫn dắt cho nhóm ngân hàng.
Càng về cuối năm, nhóm ngân hàng càng thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị khớp lệnh của nhóm này đạt trên 20% trong các tháng cuối năm Nhâm Dần. Tuy vậy, từ tháng 3 - 9/2022, đóng góp vào thanh khoản chung của nhóm này khá thấp, chỉ ở mức 10 - 15%.
Tăng trưởng giá trị khớp lệnh bình quân của các nhóm ngành so với tháng 2/2022
Nguồn: VietstockFinance
Xét về xu hướng, các nhóm ngành đều bị rút tiền theo tình hình chung của thị trường trong năm Nhâm Dần.
Dù là nhóm đóng góp lớn vào thanh khoản, ngân hàng lại là nhóm bị rút tiền mạnh ngay từ đầu năm. Từ mức giao dịch hơn 5 ngàn tỷ đồng/tháng đầu năm, giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng giảm chỉ còn 3,500 ngàn tỷ đồng/tháng trong tháng 3 - 4/2022. Sau đó, nhóm này giao dịch dưới 2,000 tỷ đồng/phiên trong các tháng giữa năm, từ tháng 6 - 10/2022.
Đối với nhóm bất động sản, kim loại, vận tải, tình hình rút tiền ngày càng mạnh vào những tháng cuối năm.
Nhóm dệt may cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đặc biệt, thanh khoản của nhóm này sụt giảm mạnh trong tháng cuối cùng của năm Âm lịch trước tình trạng khan đơn hàng do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường lớn sụt giảm vào cuối năm 2022.
Nhóm chứng khoán có những nhịp lên xuống đan xen trong năm. Các nhịp hầu hết đều trùng với các nhịp tăng giảm của thị trường. Đặc biệt, những lúc thị trường hồi phục mạnh thì dòng tiền lại quay trở lại nhóm cổ phiếu này. Chẳng hạn giai đoạn thị trường hồi phục tháng 7 - 8 và tháng 11 - 12/2022.
Các nhóm bảo hiểm, bán lẻ, công nghệ thông tin có giai đoạn khởi đầu rất tích cực. Nhóm này có thanh khoản tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Tuy vậy, dòng tiền lại dần rút ra vào những tháng cuối năm.
Chí Kiên