Dòng tiền không còn dồi dào, kênh chứng khoán có còn “tạo sóng”?
Dòng tiền không còn dồi dào, kênh chứng khoán có còn “tạo sóng”?
Lãi suất tăng sẽ tạo áp lực cho thị trường chứng khoán
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất (LS) điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng với tổng cộng mức tăng lên tới 2% được đánh giá là một điều tất yếu trong bối cảnh chung với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều này vô tình làm ảnh hưởng đến triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Về lý thuyết, việc tăng lãi suất điều hành sẽ có tác động cùng chiều với lãi suất tiền gửi và sau đó là lãi suất cho vay. Vì thế, thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu sự tác động, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, bởi dòng tiền có thể sẽ bị “chia lửa” cho kênh tiền gửi tiết kiệm và doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tăng chi phí vốn đầu vào.
Sau động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều công ty chứng khoán đã đồng loạt thông báo tăng lãi suất cho vay margin. Mặt bằng chung lãi suất cho vay ký quỹ trên thị trường hiện trong khoảng 13 - 15%.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn song hành với dòng tiền. Khi dòng tiền không còn dồi dào thì thị trường từ nay đến cuối năm sẽ chưa có khả năng hồi phục mạnh dù nhiều cổ phiếu đã giảm quá sâu, thấp hơn nhiều so với giá trị thật của DN.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, theo nguyên lý chung thì khi LS tăng thường gây ra tâm lý cẩn trọng và phòng thủ trên thị trường chứng khoán. Khi mặt bằng LS tăng lên một mức độ nào đó, thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ giảm đi sự hấp dẫn.
“Để đánh giá TTCK Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường (E/P). Nếu như các nhà đầu tư thường quen thuộc với chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) thì lợi suất thu nhập thị trường E/P là nghịch đảo của chỉ số trên, nó phản ánh lợi suất nhà đầu tư có thể nhận được nếu dựa vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường”, bà Khánh Hiền cho hay.
Theo ước tính của VNDIRECT, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 23% trong năm 2022. Điều này có nghĩa là lợi suất thu nhập thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức khoảng gần 10%, cộng thêm cả lợi suất từ cổ tức. Nếu so với lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay thì TTCK trong ngắn hạn sẽ kém hấp dẫn hơn (do xét thêm yếu tố rủi ro của kênh đầu tư này).
Có quan điểm lạc quan hơn, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, đến thời điểm hiện tại, diễn biến TTCK toàn cầu khá xấu và đi xuống. Tuy nhiên, đối với nội tại kinh tế Việt Nam cũng may mắn hơn khi trong dịch bệnh Covid-19, chúng ta không phải quá mạnh mẽ trong việc cắt giảm LS hay thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng, do vậy vẫn còn những dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, vẫn còn một phần rất quan trọng liên quan đến đầu tư công dự trữ cho Việt Nam.
“Trong tương lai 1-2 năm tới, khi kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái hay tăng trưởng rất chậm thì chúng ta vẫn còn những “room” chính sách để có thể thúc đẩy tăng trở lên. Còn đối với DN thì sẽ phải thích nghi với một môi trường mới khi LS gia tăng. Nhưng với những nỗ lực của Chính phủ, của Quốc hội, của Việt Nam cũng như là những “room” chính sách của chúng ta vẫn đang còn thì Việt Nam sẽ vẫn là một điểm đến quan trọng hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế”, ông Trần Thăng Long nhận định.
Nên đầu tư vào nhóm ngành nào?
Tuy nhiên, ông Trần Thăng Long cũng lưu ý, đối với một giai đoạn thị trường biến động chung lớn, cộng với những yếu tố bên ngoài không xác định được thì các hoạt động đầu tư ngắn hạn hay thường gọi là trading nên hạn chế hoặc chỉ nên duy trì một mức độ nhất định theo khả năng kiểm soát rủi ro của chính nhà đầu tư. Còn đối với hoạt động đầu tư dài hạn, đây là một giai đoạn thử thách với nhà đầu tư. Có thể cân nhắc đến những ngành nào ít chịu ảnh hưởng chung bởi lãi suất hay những yếu tố bên ngoài.
“Nhìn chung qua nhiều năm, qua các đợt khủng hoảng khác, những ngành liên quan đến tiêu dùng hoặc những ngành thiết yếu như: điện, nước, gas đều là những ngành tăng trưởng rất ổn định và không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn về mặt dài hạn, đối với Việt Nam thì mức P/E của thị trường chung rơi vào mức khoảng 10 lần, đang là một mức khá hấp dẫn”, ông Trần Thăng Long nói.
Cùng quan điểm, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cũng cho rằng, cơ hội để đầu tư giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó. Nên chú ý giữ một trạng thái tiền để nếu có những sự điều chỉnh đến mức định giá và mức sinh lời hợp lý thì có thể nắm bắt cơ hội.
“Trong ngắn hạn, nếu để chọn ngành thì rất khó vì tâm lý thị trường thay đổi nhanh. Nhưng nếu mục tiêu khoảng 6 tháng thì những cổ phiếu liên quan đến đầu tư công mà giảm mạnh như hiện nay là một cơ hội để tích lũy. Ngành thứ hai là ngành liên quan đến khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp Việt Nam đã lên mức cực kỳ cao và giá thuê tăng hơn 15%. Còn câu chuyện về mặt định giá thì ngành ngân hàng đã điều chỉnh trước và nếu điều chỉnh thêm thì quá rẻ. Năm sau có thể cân nhắc đến Trung Quốc mở cửa giúp đẩy mạnh nhu cầu về du lịch hay tiêu dùng thực phẩm. Còn những ngành liên quan đến giá hàng hóa thì tôi nghĩ là sẽ bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì hàng hóa bắt đầu có xu hướng điều chỉnh hạ nhiệt”, ông Quản Trọng Thành khuyến nghị.