Dòng tiền cuối năm đổ đi đâu?
Dòng tiền 6 tháng cuối năm sẽ chảy nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ không còn dòng tiền dễ dãi đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán...
Không còn dòng vốn "nóng" đổ vào bất động sản, chứng khoán
Thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn sụt giảm. Đến cuối tháng 4/2022, chỉ số VN-Index giảm 8,78% so với cuối năm 2021. Theo nhiều chuyên gia giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Tuần vừa qua ghi nhận tuần đầu tiên tăng điểm sau 6 tuần giảm liên tục, chỉ số VN-Index đã tăng 57,9 điểm (4,9%), lên mức 1240,7 điểm. Mặc dù thanh khoản còn ở mức thấp, nhưng đà phục hồi trở lại từ mức đáy đã giúp giảm áp lực tâm lý cho phần lớn nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, từ giờ đến cuối năm dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ ổn định hơn. Chỉ số khó có thể quay lại thời điểm cao của năm 2021, tuy nhiên thanh khoản khớp lệnh ở sàn Hose có thể đạt mức bình quân 17 nghìn tỷ đồng – 18 nghìn tỷ đồng/phiên.
"Đợt sụt giảm vừa qua, trong vòng 7 tuần thì đã đưa các cổ phiếu của chúng ta về mức định giá tương đối thấp, P/E thị trường về mức 11, 12 lần và nhìn sâu hơn nhiều cổ phiếu về mức định giá P/E chỉ 4 đến 5 lần. Do đó xuất khiện thêm dòng tiền của các nhà đầu tư trung và dài hạn, và dòng tiền này sẽ giữ ổn định cho thị trường trong giai đoạn cuối năm", ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Tân Việt nhận định.
Với thị trường bất động sản, diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm vẫn đang là ẩn số. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, không ít nhà đầu cơ, ôm đất tại một số khu vực đã tăng trưởng nóng thời gian qua, sẽ gặp khó khăn trong thanh khoản, tức là khó trong việc tìm người mua mảnh đất mà họ đang găm giữ với giá cao.
Nguyên nhân một phần theo PGS.TS.Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dòng tiền vào bất đất sản cũng sẽ không dồi dào như trước nữa, khi các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc cho vay lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
"Với biểu hiện từ đầu năm đến nay, khi ngân hàng tiết chế nguồn tín dụng, các công cụ tài chính phái sinh thì đang gặp khó khăn, nhưng về tổng thể thị trường vẫn nằm đâu đó khoảng trung tính. Phân khúc bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp khả năng cao tươi sáng trở lại", ông Chung đánh giá.
Để khơi thông dòng tiền trên thị trường bất động sản, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Thay vào đó, các doanh nghiệp có thể huy động vốn thêm từ các nguồn vốn góp, cổ phần, hoặc vốn đầu tư nước ngoài FDI. Đây là những nguồn vốn dài hạn quan trọng để giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Theo nhiều doanh nghiệp, đây là lúc những dự án tốt, đầy đủ pháp lý sẽ dòng tiền đầu tư ưu tiên tìm đến.
"Theo đánh giá của chúng tôi, dù không có hiện tượng đột biến lướt sóng nhưng trong thời gian trước mắt dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản như một kênh giữ tiền an toàn. Tuy nhiên nhà đầu tư sẽ tìm đến các dự án đảm bảo tính pháp lý và có hướng đầu tư lâu dài", bà Đinh Thị Ngọc Minh – Chủ tịch Tuấn Minh Group cho biết.
Dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng
Khi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn dễ thắng, thì dòng tiền đã quay trở lại gửi tiền tiết kiệm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng, đến cuối tháng 2 có hơn 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 159 nghìn tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Ngoài ra tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng cao gần 60 nghìn tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, gần đây, dòng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục dồi dào hơn khi lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại đã nhích tăng trở lại. Cá biệt, ở các ngân hàng nhỏ, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng có nơi đã lên tới trên 7%/năm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đến cuối tháng 4 vừa qua, mức lãi suất huy động trung bình của hệ thống các ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng chỉ tăng 0,14 điểm % so với cuối năm ngoái, lên 4,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng chỉ tăng 0,11 điểm %, lên 5,66%/năm.
Ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân, Ngân hàng TMCP An Bình khẳng định việc tăng lãi suất huy động luôn phải cân đối để đảm bảo mức lãi suất cho vay hợp lý.
"Việc tăng này sẽ rất được tính toán để tránh gây áp lực cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sau này bởi họ đã chịu quá nhiều áp lực do COVID-19, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ là giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ nền kinh tế", ông Phúc cho biết.
Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh hoạt động số hóa, nhiều ngân hàng đã thu hút một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn CASA từ các tài khoản thanh toán. Tiền gửi không kỳ hạn thường có lãi suất thấp, chỉ khoảng 0,2%/năm. Do đó, sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng giảm giá vốn đầu vào. Qua đó, giữ ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính Phủ.
Dòng tiền sẽ có xu hướng như thế nào? Những phân tích chuyên sâu sẽ được thảo luận trong phiên tọa đàm " Xu hướng dòng tiền" với các vị khách mời:
- Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN
- Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng
- Ông Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh
- Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital
Phiên tọa đàm " Xu hướng dòng tiền"nằm trong khuôn khổ hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế", do Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, vào ngày 24/5/2022. Sự kiện còn ghi dấu sự ra mắt của Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney.