Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 công suất chế biến xoài đạt 30.000 tấn
Ngày 7-7, UBND TP Cao Lãnh tổ chức Hội thảo về phát triển chuỗi ngành hàng xoài và tôn vinh những người trồng xoài tỉnh Đồng Tháp, mở ra những định hướng và chiến lược quan trọng cho sự phát triển của trái xoài vươn xa ra thị trường quốc tế.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Lễ hội xoài Cao Lãnh lần thứ nhất năm 2022 với sự tham dự của lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương, các chuyên gia và nông dân trồng xoài giỏi trong toàn tỉnh.
Tăng cường các giải pháp để phát triển Xoài và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Đồng Tháp có 41.750 ha trồng trái cây, diện tích xoài chiếm hơn 33%, khoảng 14.000 ha. Ngành hàng xoài xếp thứ hai khu vực ĐBSCL về sản lượng với gần 170.000 tấn/năm. Có 327 mã số vùng trồng với gần 6.000ha cây xoài, chuyên xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Singapore và Trung Quốc…
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết kế hoạch phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 là vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa thực hiện phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với từng chủ thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất; Chú trọng gia tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị của sản phẩm.
Nghiên cứu các mô hình áp dụng biện pháp xử lý các phế phẩm, phụ phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất, chế biến thành sản phẩm phân bón nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng đến sản xuất xanh sạch, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Lộ trình đến năm 2025 diện tích đạt an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn GAP, truy xuất nguồn gốc, dán tem chỉ dẫn địa lý chiếm 20%; 100% diện tích đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng; 1% diện tích sản xuất chuyển đổi hữu cơ, chứng nhận hữu cơ.
Ông Tạ Quang Kiên - trưởng phòng Chính sách thương mại nông sản, Bộ NN&PTNT - cho biết năm 2021, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu xoài hơn 307 triệu USD.
Năm 2030 dự kiến diện tích xoài nước ta đạt 140.000 ha, sản lượng 1.5 triệu tấn. Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD."Cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cấp trong chuỗi giá trị gồm các khu vực mới, lồng ghép các thực hành tốt, chế biến và huyển đổi kỹ thuật số. Nâng cấp thành chuỗi giá trị trái cận nhiệt đới mới với lộ trình phát triển chiến lược ngành. Có các chính sách về chất lượng, phòng thí nghiệm và chiến lược phát triển thị trường ngành; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm", ông Kiên nói.
Chú trọng việc phát triển các sản phẩm chế biến từ xoài
Theo thông tin của UNND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay các sản phẩm chế biến từ xoài như: xoài sấy dẻo, nước ép xoài, mứt xoài, rượu xoài… được các doanh nghiệp địa phương phát triển đa dạng, phong phú làm tăng gái trị trái xoài.
Các công ty chế biến thường thu mua xoài loại 2, 3 để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ tạo tiềm năng để giữ được giá xoài ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu gây đứt gãy chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tươi, việc chế biến trở nên quan trọng hơn.
Ước tính 10 kg xoài tươi chế biến được 1 kg xoài sấy dẻo, giá thành khoảng 100.000 - 140.000 đồng/kg, giá bán lẻ 300-500.000 đồng/kg, giúp lợi nhuận tăng cao.
Hiện trong tỉnh có 12 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở chế biến có sản phẩm xuất khẩu, với nhiều chủng loại như: sấy dẻo, cấp đông, nước ép, prure… Ước tính sản phẩm xoài sau chế biến 735 tấn/năm, tương đương 7.350 tấn xoài nguyên liệu.
Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài tươi. Năm 2021, thí điểm mô hình cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài, qua đó cấp hỗ trợ 2 đơn vị tham gia thí điểm 3.000 tem, 200 thùng mang chỉ dẫn địa lý.
Phấn đấu đến năm 2025 sẽ ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch như: vận chuyển, phân loại, cắt cuống, xử lý mủ, rửa, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn; Đóng gói, áp dụng công nghệ xử lý bằng hơi nước bảo hòa và cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng, giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng.
Ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất tiên tiến và cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng nhằm nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng xoài, lợi nhuận tăng thêm hàng ít nhất 15%/năm. Thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn/năm, cao gấp 5 lần so với năm 2020.