Đồng Tháp ghi nhận gần 12.000 ca bệnh đau mắt đỏ là học sinh
Tại Đồng Tháp, có đến 87,6% số ca mắc bệnh đau mắt đỏ là học sinh. Ngành Y tế tỉnh này nhận định, có thể có nhiều ca mắc trong cộng đồng không được ghi nhận do tự mua thuốc điều trị, nên số mắc bệnh đau mắt đỏ thực tế còn cao hơn.
Bác sĩ Phan Thanh Tùng phát biểu cung cấp thông tin bệnh đau mắt đỏ. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Chiều 27/9, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 9, bác sĩ Phan Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận hơn 13.460 ca bệnh đau mắt đỏ (tương đương 803 ca/100.000 dân).
Phần lớn số ca mắc bệnh đau mắt đỏ là trên nhóm học sinh (11.794 ca, chiếm 87,6% số ca mắc trên địa bàn tỉnh), còn lại trong cộng đồng hơn 1.674 ca.
Các huyện có số ca mắc/100.000 dân cao nhất là Tam Nông (4.029 ca); Châu Thành (922 ca); Lai Vung (820 ca) và thành phố Cao Lãnh (737 ca).
Đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch nào ở cộng đồng.
Phần lớn là các ca bệnh lẻ tẻ, tản phát. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã ghi nhận 1 vài chùm ca bệnh tại các trường học, khu công nghiệp.
Bác sĩ Tùng nhận định, bệnh dễ lây lan nhanh, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Do đó, phòng bệnh vẫn là trọng tâm trong công tác phòng, chống.
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Đồng Tháp, thời tiết đang giao mùa và học sinh vừa quay lại trường học là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ lây lan hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân, bác sĩ Phan Thanh Tùng cho biết, đến thời điểm này, Trung tâm chưa nhận được báo cáo nào của các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp về xuất hiện trường hợp đau mắt đỏ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, nguồn thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ giá vẫn giữ ổn định, chưa có thông tin, báo cáo gì bất thường.
Người dân đến khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Ngành y tế tỉnh cũng đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục duy trì công tác phối hợp chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại cơ sở giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo cập nhật bổ sung một số thông tin, cụ thể: Thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
Các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng.
Thông tin với phụ huynh, người thân cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
Đối với các cơ sở giáo dục, khi học sinh có các triệu chứng, như: Sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, đỏ hoặc ngứa hoặc rỉ dịch 1 hay cả 2 mắt, cảm giác nổi cộm, kết mạc sưng phù, đỏ... cần hướng dẫn trẻ đi khám tại cơ sở khám, chữa bệnh, nghỉ học ở nhà và không tự ý điều trị nhằm tránh biến chứng nặng.
>> Xem thêm: