Động thái 'lịch sử' của Nhật với NATO
Lần đầu tiên trong lịch sử, một thủ tướng Nhật Bản sẽ dự hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với thông điệp an ninh châu Âu liên quan mật thiết đến châu Á.
Đích thân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio xác nhận thông tin trong cuộc họp báo ngày 15-6 tại Tokyo (Nhật Bản).
Theo Hãng tin Reuters và AFP, đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO , một liên minh quân sự của Mỹ và Tây Âu ra đời năm 1949.
Theo Hãng thông tấn Kyodo của Nhật, trong hai ngày diễn ra hội nghị (bắt đầu từ 29-6), các nhà lãnh đạo NATO dự kiến thông qua một khái niệm chiến lược an ninh mới trước các thách thức mới đang đối mặt.
"Mục đích của tôi khi dự sự kiện này là nhằm nêu rõ thông điệp việc đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được và an ninh của khu vực châu Âu là không thể tách rời khỏi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Kishida giải thích thêm tại họp báo ngày 15-6.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như tên gọi của nó, bao gồm hai đại dương lớn của thế giới cũng là nơi tập trung các quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự hàng đầu khu vực. Khái niệm này đang dần thay thế cho châu Á - Thái Bình Dương vốn hẹp hơn, chủ yếu chỉ các nước Đông Á giáp Thái Bình Dương.
Theo Hãng thông tấn Kyodo, NATO đã mời thêm các "đối tác" như Úc và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6 này. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được cho là đã đồng ý tham dự và có thể sẽ gặp ông Kishida bên lề sự kiện.
Việc Nhật tham dự thượng đỉnh NATO là điều đã nằm trong dự đoán của giới quan sát chính trị quốc tế.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đã gây lo ngại không chỉ ở châu Âu mà còn tại Nhật, quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Nga.
Nhật đã đứng về phía các đồng minh trong việc lên án và áp các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức Nga vì chiến dịch quân sự của Matxcơva tại Ukraine.
Đáp lại, Nga tuyên bố đình chỉ việc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, một vấn đề còn tồn đọng kể từ sau Thế chiến thứ hai.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần cho cuộc chiến" - ông Colin Kahl, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách, phát biểu ngày 14-6, mở đầu hội nghị do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức.