Đồng phục

Chia sẻ Facebook
24/11/2023 06:58:50

Hôm qua tôi lại xuống thăm mái ấm Giu Se mà tôi hay gọi Mái ấm Chư Sê, vì nó ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Nơi đây thường xuyên nuôi hơn một trăm cháu bé mồ côi từ sơ sinh tới đang học cấp ba.

Nó do người đàn ông, một người công giáo, từng đi tu, tên Đinh Minh Nhật, các “con” ông gọi là thầy, là cha, làm chủ.

Sự làm chủ hết sức tình cờ.

Là đang yên đang lành thế, nghe báo ở làng nọ có người mẹ sinh con xong rồi chết và dân làng chuẩn bị chôn con theo mẹ theo phong tục của người Tây Nguyên.

Nói một tí về phong tục này. Ngày xưa ở Tây Nguyên, người phụ nữ phải sinh con một mình trong rừng, sinh xong nuôi con cứng cáp thì bế về. Và đứa bé hầu như không có gì hỗ trợ thêm ngoài sữa mẹ, vì thế, mẹ chết thường là phải chôn theo con. Mà sinh kiểu phụ nữ Tây Nguyên ấy, cửa tử gần cửa sinh hơn, bởi ngay người Kinh cũng có câu: “Gái chửa cửa mả”, mà khi sinh vẫn có bà lang vườn đỡ đẻ, có gia đình bên cạnh, dẫu anh chồng khi ấy được “giao nhiệm vụ” leo lên tụt xuống cây cau hoặc leo lên mái nhà theo phong tục, huống gì đây sinh con trong hoàn cảnh ngặt nghèo thế.

Giờ thì chúng ta coi kiểu mẹ chết chôn theo con ấy là man rợ, nhưng có thể với người Tây Nguyên thì đấy lại là nhân văn, bởi nếu giữ đứa bé, thì không có sữa mẹ, trước sau gì nó cũng chết bởi có gì cho nó ăn thay thế đâu, vậy cho đi theo mẹ, vẫn ngậm ti mẹ, nó sẽ nhân văn hơn.

Thì nghe có đứa bé như thế, ông Nhật vội đến xin về nuôi, với tâm niệm cứu cháu bé.

Cũng không dễ dàng gì, bởi thế là trái phong tục của làng. Phải biện lễ cúng cho làng và cho Yang.

Cứ thế nó hình thành cái mái ấm bây giờ với thường xuyên có hơn trăm trẻ mồ côi hiện nay.

Các cháu ở mái ấm Giu Se.

Rất nhiều chuyện khó khăn cực khổ vất vả cả chủ quan và khách quan để có thể luôn luôn nuôi từng ấy đứa trẻ con, tôi đã vài lần đề cập trên báo. Một gia đình trẻ bình thường bây giờ nuôi hai đứa con đã biết bao vất vả, dẫu có bố mẹ anh chị hai bên giúp, huống gì ông Nhật ban đầu là người đàn ông một thân một mình.

Hôm qua xuống, lại thấy thêm một việc nữa, là đồng phục cho các cháu.

Hiện mái ấm có 93 cháu đang đi học ở các trường xung quanh đấy, cháu nào cũng phải có ít nhất 2 bộ, một đồng phục đi học, một đồng phục thể dục.

Cha Nhật đang có ba cháu thanh niên đã tốt nghiệp đại học xung phong ở đấy giúp việc, tất cả đều đồng lòng không xây dựng gia đình để toàn tâm toàn ý giúp thầy Nhật lo cho các em (thầy Nhật mới phát hiện bị u não).

Và các cháu ấy kể mới biết, đang loay hoay chuyện đồng phục cho 93 em.

Tất cả phải tiết kiệm từng tí, kể cả... xà phòng giặt quần áo cho từng ấy đứa trẻ, đang tuổi ăn tuổi... nghịch bẩn.

Quần áo đa phần là được cho, tặng cũ có mới có. Cũ thì cũng đã được giặt sạch sẽ, là ủi cẩn thận đóng thùng gửi đến. Bạn tôi từng liên hệ tặng mỗi cháu một đôi giày mới tinh để đi học nữa.

Nhưng té ra, quần áo cũ không sử dụng được vì trường/ lớp yêu cầu đồng phục.

Dù đồng phục thể dục thì không có logo gì, đồng phục đi học thì quần xanh áo trắng nhưng có thêu tên học sinh vào phần gấp của cổ áo và cạp quần. Như hôm qua cháu tên Hùng có mỗi cái tên Hùng ở mặt sau cổ áo và cũng chữ Hùng ấy ở trong cạp quần, phải lật ra mới thấy.

Lại nhớ hồi vừa thống nhất đất nước, tôi về quê ở Huế, thấy các bác cán bộ tập kết phản đối ầm ầm việc các trường ở Huế bắt con các bác ấy phải mặc áo dài đi học. Các bác ấy lập luận, một nó là tàn dư xã hội cũ, hai các bác ấy là cán bộ, không có tiền may áo dài cho con. Tôi thì vì là con trai và học đại học, không liên quan nhưng nhớ có thưa với các bác khi các bác tới kể chuyện với ba tôi, rủ ba tôi tham gia phản đối: cháu thấy đồng phục đẹp mà, áo dài càng đẹp. Và hai, nhiều bạn đi học nhà nghèo hơn nhà các bác nhiều...Sau không thấy các bác có ý kiến gì nữa, và con gái các bác ấy mặc áo dài đồng phục đẹp lộng lẫy hẳn ra.

Là tôi ủng hộ việc đồng phục trong nhà trường, nó có rất nhiều tác dụng, như quy củ, như đẹp, như không phân biệt giàu nghèo, tạo sự bình đẳng vân vân...

Nhưng với trường hợp cụ thể này thì cứ áy náy mãi.

Đành rằng đồng phục là để đẹp trường, và để không phân biệt giàu nghèo, nhưng các cháu ở mái ấm mồ côi, nghèo sẵn rồi chả sợ bị phân biệt nữa, đầu năm nếu cô nói với cả lớp: Bạn Abc ở mái ấm học với chúng ta, bạn khó khăn, chúng ta cùng yêu thương và chia sẻ với bạn nhé vân vân lại chả nhân văn bằng mấy đẹp đều hay sao?

Một số bạn là giáo viên lại nhắn cho tôi là nếu bạn ấy chủ nhiệm lớp có hoàn cảnh như thế, họp phụ huynh đầu năm sẽ vận động hội phụ huynh giúp các cháu ấy, nhiều chả nói chứ dăm ba bộ thì chắc dễ.

Lại có bạn nói, có thể cô giáo hoặc nhà trường đề nghị nơi nhận cung cấp đồng phục giúp số các cháu này.

Bạn nữa nhắn, nguyên văn: “Thương lắm. Ai ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nếu học sinh không mua đồng phục thì giáo viên chủ nhiệm là người được nhắc đầu tiên trong các cuộc họp. Cuối năm không hoàn thành công tác chủ nhiệm đấy ạ. Khổ lắm luôn nhưng có ai hiểu”.

Chưa hết, lại có bạn giáo viên cung cấp thông tin là ngay đến đồng phục giáo viên cũng nhiều chuyện.

Nhưng ở đây tôi chỉ bàn cụ thể tới các cháu ở mái ấm mồ côi này.

Các cháu sống nhờ gần như toàn bộ nhờ bá tánh giúp, tiết kiệm từng li từng tí. Và mừng nhất là tất cả các cháu đều được đi học. Đấy là nỗ lực rất lớn của cha Nhật, và cả bản thân các cháu. Đã có những cháu đã tốt nghiệp đại học, hoặc quay lại phục vụ mái ấm, hoặc đi làm có tiền gửi về mái ấm.

Nhưng vẫn là phải chạy ăn từng bữa, hơn một trăm con người, toàn loại đang tuổi ăn tuổi lớn, chạy ăn là rạc người.

Đến kỳ đóng tiền điện, tiền học phí, quỹ lớp quỹ trường là toát mồ hôi.

Và vẫn lo chuyện đồng phục.

Và tôi cứ tưởng đồng phục là phải có logo tên trường lớp, chứ chỉ có tên các cháu giấu vào phía trong như thế thì cũng... khắc phục được.

Là các cháu mặc đồ được cho, chọn loại đồng màu, lấy bút viết tên mình vào đúng chỗ “đồng phục thêu tên” ấy, tại sao không?

Là tôi cứ nghĩ thế, chứ quả là cũng chả hiểu nó như thế nào?

Về cứ thương các cháu. Và không chỉ mình tôi thương, những người đi cùng và biết chuyện, đều thương.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook