Đông Nam Á nỗ lực chuyển mình thành trung tâm xe điện của thế giới

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 14:04:25

Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường xe điện tiềm năng với giá trị thị trường được dự báo tăng lên từ 500 triệu USD năm 2021 lên 2,7 tỷ USD năm 2027.


Philippines, Việt Nam và Indonesia đang cạnh tranh gay gắt để được xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện cho BYD, nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới, một quan chức thương mại và đầu tư hàng đầu Philippines cho biết.

Thứ trưởng Thương mại của quốc gia Đông Nam Á Ceferino Rodolfo tiết lộ, gã khổng lồ ô tô Trung Quốc đang trong “giai đoạn thảo luận nâng cao” với Philippines về vấn đề này. Theo ông Rodolfo, các đại diện của BYD đã tìm kiếm các địa điểm nhà máy khả thi tại Philippines trong chuyến thăm vào cuối năm ngoái, và công ty có thể đưa ra quyết định về địa điểm này trong quý II.

BYD, công ty đã chuẩn bị xây dựng cơ sở sản xuất EV đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan, vẫn đang tìm hiểu xem nhà máy mới sẽ là nhà máy lắp ráp toàn phần hay cơ sở lắp ráp cuối cùng của các bộ phận ô tô được vận chuyển từ nước ngoài về, theo bà Lanie Dormiendo, Giám đốc Dịch vụ Xúc tiến Đầu tư Quốc tế của Philippines.

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết BYD cũng đang đàm phán với Indonesia về khoản đầu tư tiềm năng vào một nhà máy xe điện ở quốc gia này.

Chính phủ Indonesia đang đưa ra một loạt ưu đãi về miễn thuế, ưu đãi và tiếp cận với nguyên liệu thô cho pin để thuyết phục nhà sản xuất ô tô thành lập nhà máy ở đó thay vì mở rộng sang một quốc gia láng giềng như Thái Lan.

Một chiếc sedan Atto 3 được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Thái Lan vào tháng 12/2022. Nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới được cho là đang tìm kiếm một địa điểm để đặt nhà máy tiếp theo tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Bangkok Post


Miền đất hứa

Khi các quốc gia tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng cho các công nghệ mới nổi và ngăn chặn sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Đông Nam Á là một giải pháp thay thế hấp dẫn. Mặc dù gần 75% tổng số pin lithium-ion và 50% nguyên liệu tinh chế pin hiện đến từ Trung Quốc, Indonesia có vị trí thuận lợi để trở thành tâm điểm sản xuất pin, vì đây là nơi quy tụ các mỏ niken, thiếc và đồng lớn nhất thế giới.

Với nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong gần nửa thế kỷ vào năm ngoái, Philippines đang thu hút các nhà sản xuất xe điện và pin hàng đầu như BYD bằng các khoản giảm thuế và các ưu đãi khác được thông qua vào năm ngoái do giá xăng dầu liên tục leo thang. Ngoài ra, Philippines và Indonesia chiếm gần một nửa trữ lượng niken của thế giới.

“Chỗ chúng tôi không có chi phí thấp, nhưng chúng tôi là điểm đến cho các công ty đang tìm kiếm giải pháp cho cam kết phát thải ròng bằng 0”, ông Rodolfo khẳng định. Ông cũng cho biết BYD đang xem xét tiềm năng phát triển của Philippines.


Việt Nam cũng có trữ lượng niken khổng lồ, khiến quốc gia này trở thành địa điểm đắc địa để sản xuất pin. Vinfast , tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, từ tháng 12/2021 đã xây dựng một cơ sở sản xuất pin xe điện có công suất 100.000 sản phẩm mỗi năm để bán và sử dụng cho các phương tiện của chính mình.

Việc nội địa hóa chuỗi cung ứng sẽ mở rộng năng lực của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất, và danh tiếng của Vinfast có thể sẽ khiến quốc gia này trở thành một mục tiêu đầu tư hấp dẫn.

Các công ty quốc tế khác cũng đã nhận thấy tiềm năng của khu vực Đông Nam Á. Công ty CATL của Trung Quốc và Foxconn có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) đều đang xem xét đầu tư vào Indonesia, giúp quốc gia này thực hiện mục tiêu dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất pin.

Tháng 6/2022, công ty Hong Seng Consolidated Berhad và EoCell của Malaysia cũng đã ký Biên bản ghi nhớ để phát triển một trung tâm sản xuất pin xe điện quy mô khu vực tại Malaysia.

Quang cảnh bên trong nhà máy xe điện của VinFast ở Hải Phòng ngày 26/8/2022. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây dựng một cơ sở sản xuất pin xe điện có công suất 100.000 sản phẩm mỗi năm để sử dụng cho các sản phẩm của công ty. Ảnh: ISEAS/AFP


Chính sách hấp dẫn

Đông Nam Á cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi về tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phục vụ cho mục tiêu trở thành trung tâm xe điện của thế giới. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã tích cực kết hợp việc áp dụng và sản xuất xe điện vào các mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững.

Tại Thái Lan, chính phủ đã xác định “Ô tô thế hệ tiếp theo” là một trong 10 ngành công nghiệp giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Tháng 2/2022, chính phủ Thái Lan tuyên bố họ sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện nhập khẩu từ 8% xuống còn 2% và giảm thuế nhập khẩu từ 20 đến 40% đối với xe điện được sản xuất hoàn chỉnh. Các chính sách này đi kèm với các biện pháp khuyến khích để thu hút các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao trong các ngành mục tiêu, bao gồm giảm thuế thu nhập từ 35% xuống còn 17%.

Singapore đã thực hiện các biện pháp khuyến khích tương tự để khuyến khích việc sản xuất trong nước. Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải Singapore chi khoảng 31 triệu USD để giảm chi phí trả trước khi mua xe điện, khiến tỉ lệ đăng ký xe điện tăng từ 0,2% vào năm 2020 lên 4,4% vào năm 2021.

Cơ quan Giao thông vận tải đường bộ Singapore cũng đặt một mục tiêu lắp đặt 60.000 điểm sạc trên toàn đảo quốc sư tử vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu dự kiến.

Công ty khí đốt Singapore City Energy đã hợp tác với một công ty Malaysia để ra mắt mạng lưới sạc xe điện xuyên biên giới nhằm tăng cường kết nối giữa những người tài xế ở 2 quốc gia. Ảnh: Channel News Asia

Trong khi đó, tại Campuchia, Chiến lược dài hạn về trung hòa carbon cam kết 40% ô tô và 70% xe máy lưu thông trên đường là xe điện vào năm 2050. Ngoài ra, chính phủ Campuchia năm 2021 cũng giảm thuế nhập khẩu đối với xe điện xuống còn khoảng 50% so với các phương tiện truyền thống.

Malaysia và Philippines cũng học hỏi theo mô hình này. Malaysia đã miễn thuế đường bộ cho chủ sở hữu xe điện và Philippines thực hiện Đạo luật phát triển ngành công nghiệp xe điện miễn thuế thu nhập cho các nhà sản xuất xe điện trong vòng 4 đến 7 năm.


An ninh năng lượng

Bất chấp những cân nhắc về môi trường, việc các nước Đông Nam Á thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện trong nước cũng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khu vực, đặc biệt là sau cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Chi phí chế tạo pin xe điện và mua xe điện đã giảm trong những năm qua, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh giá xăng tăng cao. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng ASEAN lần thứ 6 được phát hành vào năm 2020, tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của ASEAN dự kiến sẽ tăng 146% vào năm 2040, một phần do nhu cầu vận tải tăng.

Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải theo một kịch bản mô hình trong đó các mục tiêu khí hậu quốc gia của các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được sẽ giảm 18% do thúc đẩy xe điện.

Một cuộc khảo sát do Deloitte thực hiện cho thấy người tiêu dùng trong khu vực ngày càng quan tâm đến xe điện “do chi phí nhiên liệu thấp hơn, lo ngại về biến đổi khí hậu và trải nghiệm lái xe tốt hơn. Người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia và Thái Lan quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng và phạm vi lái xe vẫn là rào cản đối với việc áp dụng”, do dung lượng pin hạn chế khó đáp ứng được những hành trình dài.

Thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng được cho là một trong những rào cản đối với sự phát triển của ngành xe điện ở Đông Nam Á. Ảnh: India Times

Bên cạnh cơ sở hạ tầng sạc, xe điện cũng cần được hỗ trợ vận hành và bảo trì thích hợp, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ ô tô thông thường chưa sẵn sàng cung cấp các loại dịch vụ này. Các thành phần xe điện (ví dụ như động cơ) cũng chưa sẵn có ở thị trường địa phương.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở khu vực này đang thực hiện các bước để tăng số lượng điểm sạc có sẵn. Với lạm phát gia tăng và giá cả hàng hóa đe dọa đến sự ổn định chính trị và kinh tế của khu vực, các nước Đông Nam Á nên được khuyến khích thực hiện các bước để cải thiện an ninh năng lượng của họ. Xe điện có thể giúp dẫn đường.

Cũng có lo ngại rằng xe điện không thể trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường trừ khi sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn để tạo ra điện. ASEAN hy vọng sẽ tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung và công suất lên 23% và 28,7% vào năm 2025.


Các quốc gia cũng đã đưa ra các cam kết về khí hậu của riêng mình để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, với 9 quốc gia thành viên ASEAN đặt ra thời hạn đạt được mức phát thải ròng bằng 0 .


Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, CSIS, ADB)

Chia sẻ Facebook