Đồng minh lâu năm của Nga tập trận với Mỹ

Chia sẻ Facebook
19/09/2023 02:11:31

Nga đã không mấy hài lòng trước việc một nhóm các binh lính Mỹ có mặt tại Armenia nhằm tham gia một cuộc tập trận với mục đích bảo vệ hòa bình.

Chương trình tập trận kéo dài 10 ngày mang tên “Đối tác đại bàng” sẽ bắt đầu vào thứ Hai, với sự tham gia của 85 binh lính Mỹ và 175 binh lính Armenia nhằm chuẩn bị cho lực lượng Armenia các sứ mệnh bảo vệ hòa bình quốc tế.

Mặc dù có quy mô nhỏ, cuộc diễn tập này là một phần trong chuỗi các “hành động không thân thiện” từ quốc gia vốn là đồng minh trong lịch sử theo đánh giá của bộ quốc phòng Nga.

Gần đây, Armenia đã gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine lần đầu tiên.

Những cử chỉ làm thân với đối tác quốc tế mới của Armenia một phần bắt nguồn từ thái độ bức xúc sau khi Nga đã không thể hoặc không muốn bảo vệ quốc gia này khỏi các hành vi gây hấn từ Azerbaijan, và đặt ra nghi vấn về khả năng kiểm soát các quốc gia và các cuộc xung đột của Nga tại khu vực, theo CNN.

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan cho biết quốc gia này đã bắt đầu cảm nhận được vị của “trái đắng” trong “những sai lầm chiến lược” từ quyết định tin tưởng trao gần như toàn bộ trách nhiệm bảo vệ nước ông cho Nga.

“Cấu trúc an ninh của Armenia gắn liền với Nga tới 99.999%. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể thấy rằng Nga cũng đang cần thêm vũ khí. Kể cả khi có mong muốn, Nga cũng vẫn không thể cung cấp đủ cho nhu cầu quốc phòng của Armenia”, ông Nikol Pashinyan cho biết.

Kể từ khi ông Pashinyan nhậm chức vào năm 2018 theo sau “Cách mạng Nhung” của Armenia, quốc gia của ông đã liên tục phải đối mặt với căng thẳng leo thang với Azerbaijan.

Tâm điểm của những căng thẳng này nằm tại Nagorno-Karabakh, một khu vực lãnh thổ không giáp biển tại vùng Núi Caucasus đã từng là nguyên nhân dẫn tới hai cuộc chiến giữa hai nước láng giềng này trong ba thập kỷ qua, và gần đây nhất là năm 2020. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc về Azerbaijan, nhưng người dân sinh sống tại đây chủ yếu là người Armenia.

Cuộc xung đột kéo dài 44 ngày trong mùa thu năm 2020 đã thể hiện rõ sự yếu thế của quân đội Armenia. Azerbaijan với máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-16 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đã chiến thắng áp đảo, giành được một phần ba lãnh thổ Nagorno-Karabakh, cũng như tấn công trực diện Armenia.

Nga giúp kết thúc cuộc xung đột này bằng cánh đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn. Thỏa thuận này cho phép 2000 binh lính bảo vệ hòa bình của Nga tới Nagorno-Karabakh bảo vệ hành lang Lachin, tuyến đường duy nhất nối liền vùng này với Armenia.

Nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không ngăn cản quân đội Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát quân sự dọc hành lang Lachin để ngăn chặn hoạt động vận chuyển thực phẩm vào vùng đất này. Azerbaijan phủ nhận cáo buộc phong tỏa, còn Nga khẳng định họ vẫn đang làm nhiệm vụ của mình.

Quân nhân Azerbaijan đứng gác tại một trạm kiểm soát ở hành lang Lachin, nối khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh với Armenia. Ảnh: Tofik Babayev/AFP/Getty Images

Nỗi lo ngại của Armenia

Vahram Ter-Matevosyan, một phó Giáo sư khoa chính sách đối ngoại tại Đại học Mỹ tại Armenia cho biết việc Nga không thể hoặc không muốn can thiệp đã khiến chính phủ Armenia cảm thấy bức xúc.

Ông Ter-Matevosyan cho biết “Armenia đã làm gần như mọi thứ mà Nga muốn trong suốt 30 năm qua”, bao gồm cả việc ngừng các nỗ lực hội nhập châu Âu trong năm 2013 sau khi Moscow thể hiện thái độ phản đối.

Sau thời gian quá lâu chiều theo mong muốn của Moscow, Yerevan đã kỳ vọng Nga sẽ thực hiện các cam kết về an ninh của mình, mà Nga cam đoan sẽ cung cấp thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO), một liên minh quân sự giữa các nước từng thuộc Liên Xô, bao gồm Armenia. Nhưng trong những năm qua, các nhà phân tích cho biết Nga đã liên tục phá vỡ nhiều cam kết trong tổ chức này.

“Nga đã không thực hiện đúng lời hứa sẽ bảo đảm an ninh cho hành lang Lachin… Nga đã không cung cấp đủ vũ khí mà Armenia đã mua từ Nga, Nga đã không ngăn cản được các hành vi bành trướng và gây hấn mà Azerbaijan thực hiện hướng vào Armenia”, ông Ter-Matevosyan cho hay.

Ông Ter-Matevosyan cho biết khi đối mặt với thực trạng này, Armenia không có lựa chọn nào khác ngoài quyết định đa dạng hóa bộ máy an ninh của mình.

Hậu quả không lường trước

Một số nhà phân tích cho rằng Nga không thể giữ vững được các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn là do nước này đang bị phân tán bởi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.


Bà Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết tình hình hiện tại một phần là hậu quả từ việc Nga cố gắng giữ cả Armenia và Azerbaijan về phe mình, một mục tiêu mà bà cho rằng là bất khả thi vì những hành vi gây hấn của Azerbaijan.

“Kể từ cuộc chiến năm 2020, Nga đã băn khoăn khi phải chọn giữa Armenia và Azerbaijan, và trong mắt quốc tế điều này có nghĩa là họ đã chọn Azerbaijan. Đó chỉ là thái độ bị động. Nhưng chính thái độ bị động này lại có vị thế ủng hộ Azerbaijan”, bà Marie Dumoulin cho biết.

Bà cũng chỉ ra những liên kết ngày càng bền chặt giữa Moscow và Baku - bắt nguồn từ quan hệ cá nhân giữa ông Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev - một quan hệ ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới Armenia.

“Tôi không nghĩ ông Pashinyan là kiểu lãnh đạo mà ông Putin ưa. Ông trở thành lãnh đạo sau một cuộc cách mạng. Ông có quan điểm dân chủ, cải cách, chống tham nhũng. Ông Aliyev là kiểu lãnh đạo mà ông Putin dễ thân hơn nhiều”, bà Marie Dumoulin cho biết.

Quan hệ giữa ông Putin và ông Pashinyan đã càng tồi tệ hơn khi Armenia dự kiến sẽ trở thành một phần của Quy chế Rome của ICC, mang lại cho Armenia một diễn đàn để thể hiện sự phản đối về các lo ngại nhân quyền hướng tới Azerbaijan. Armenia đã ký kết quy chế này trong năm 1999, nhưng Tòa án Hiến pháp nước này đã tuyên bố quy chế này vi hiến - một quyết định đã được đảo ngược trong tháng 3, mở đường cho khả năng thông qua quy chế này trong tương lai.

Nhưng trong khi tìm phương hướng củng cố quốc phòng nhằm đối trọng với Azerbaijan, Armenia đã vô tình làm ảnh hưởng tới Nga.

Ông Ter-Matevosyan cho biết: “Thời điểm mọi thứ xảy ra quá tồi tệ”. Ông cũng khẳng định “chính phủ Armenia đã không giải thích đầy đủ tới các đối tác Nga về hai ý nghĩa đằng sau quá trình thông qua Quy chế Rome”.

Tuyên bố tham gia tập trận chung với Mỹ đã càng ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ với Nga. Politico trong tuần vừa rồi đã cho biết chính phủ Nga đã triệu tập đại sứ Armenia tới Moscow nhằm thực hiện một số đàm phán “căng thẳng”.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc tập trận “không giúp cải thiện thái độ tin tưởng chung trong khu vực”.

“Bão hòa” ảnh hưởng của Nga

Hiện vẫn chưa rõ nỗ lực tạo dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế mới của Armenia bắt nguồn chỉ từ những mong muốn cải thiện an ninh quốc gia, hay đây là biểu hiện cho thấy Armenia đang chuyển thái độ sang thân cận với các nước phương Tây.

Anna Ohanyan, chuyên gia chính sách đối ngoại Nga và là Giáo sư tại Đại học Stonehill của Massachusetts cho biết: “Armenia là một quốc gia nhỏ, việc họ quay đầu và thực hiện thay đổi quan điểm địa chính trị là rất nguy hiểm. Chúng ta đều nhận thấy những rủi ro từ đó”.

Thay vì cắt đứt quan hệ với Nga hoàn toàn, Armenia chỉ đang “bão hòa” các ảnh hưởng của Nga tại nước này.

Và mặc dù những bước mà họ đã thực hiện gần đây đều khá khiêm tốn, chúng có thể là những bước đầu đưa Armenia theo một con đường mà họ rất khó có thể quay lại được.

“Nếu như trong tương lai gần, ông Putin quyết định thực hiện một chính sách mới, cung cấp đảm bảo an ninh cho Armenia, tôi không nghĩ chính sách đối ngoại của Armenia sẽ cân bằng lại theo quan điểm như trước đây”.

Kẹt giữa hai bên

Các lãnh đạo của Armenia đều thấy rõ những thử thách trước mắt. Trước La Repubblica, ông Pashinyan cho biết ông lo ngại Armenia sẽ bị kẹt giữa Nga và phương Tây.

“Các nước phương Tây và chuyên gia của họ… đánh giá Armenia là quốc gia thân Nga. Trái lại, nhiều thành phần trong chính phủ Nga cho rằng Armenia và chính phủ của nước này thân phương Tây”.

Nếu không thể thỏa mãn một bên nào, Armenia có thể sẽ bị tách biệt khỏi cả hai phe, khiến quốc gia này rơi vào thế rủi ro.

Chia sẻ Facebook