Đồng minh lâu năm của Nga để ngỏ khả năng gia nhập BRICS thay vì EU

Chia sẻ Facebook
20/06/2023 02:54:33

Nhóm BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt hiện chiếm hơn 32% GDP, 40% dân số, đồng thời sở hữu khoảng 15% trữ lượng vàng của thế giới.


Trong tương lai, Serbia có thể phải đối mặt với sự lựa chọn giữa Liên minh châu Âu (EU) và nhóm BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết.

“Đối với BRICS và EU, đó là vấn đề của tương lai mà đất nước này có thể sẽ phải đối mặt”, nhà lãnh đạo Serbia cho biết trong một bài phát biểu trước toàn dân khi được hỏi về khả năng gia nhập BRICS thay vì EU.


“Serbia sẽ đi theo lộ trình châu Âu chừng nào tôi còn là Tổng thống, và thời gian này chỉ còn chưa đầy 4 năm. Dù sao thì Serbia cũng sẽ đi theo lộ trình hướng tới châu Âu. Liệu lúc đó chúng tôi có được thừa nhận là thành viên EU không? Rõ ràng là không. Bởi vì họ không muốn chúng tôi trở thành thành viên EU”.

“Đây sẽ là một vấn đề đối với cộng đồng người Serbia mới trong khoảng 10-20 năm nữa”, ông Vucic nói và cho biết thêm rằng “rõ ràng là nhiều quốc gia muốn thoát khỏi sự thống trị của phương Tây”.

Serbia được xác định là một quốc gia ứng cử viên tiềm năng của EU vào năm 2003 và Belgrade đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên vào năm 2009. Nhưng các cuộc đàm phán gia nhập đã kéo dài, với sự gần gũi của Serbia với Nga là một điểm mấu chốt ngày càng quan trọng.

EU đã nhiều lần nói rõ rằng các thành viên sẽ phải tuân theo đường lối của EU về chính sách đối ngoại và các biện pháp trừng phạt. Trong khi Belgrade cho biết họ ủng hộ Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, đồng minh lâu năm của họ.

Hồi đầu năm, Tổng thống Serbia tuyên bố đất nước ông đã “không còn hào hứng” với tư cách thành viên EU nữa và “bi quan” về triển vọng Serbia sớm gia nhập EU.

Trong khi EU là một liên minh kinh tế - chính trị siêu quốc gia gồm 27 thành viên chủ yếu ở châu Âu, BRICS là một tổ chức không chính thức bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Từ viết tắt BRICS được bắt nguồn từ chữ cái đầu tiên của tên các quốc gia bằng tiếng Anh. Tổ chức hướng tới mục tiêu phát triển hợp tác toàn diện giữa các nước thành viên về kinh tế, tài chính, giáo dục, khoa học, văn hóa và các lĩnh vực khác.

Các nước BRICS có tiềm năng tăng trưởng kinh tế đáng kể: Chiếm hơn 32% GDP, gần 30% diện tích lãnh thổ và 40% dân số thế giới, sản xuất gần 1/2 sản lượng lúa mì và gạo trên thế giới, đồng thời sở hữu khoảng 15% trữ lượng vàng của thế giới.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov, số lượng các quốc gia muốn tham gia BRICS đã lên tới con số 20. Bangladesh, Venezuela, Gabon, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Indonesia, Iran, Liên minh Comoros, Cuba, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út đã công khai tuyên bố sẵn sàng tham gia.

Ai Cập đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, theo thông báo ngày 14/6 của Đại sứ Nga tại Cairo Georgy Borisenko. Trước đó, vào năm 2022, Argentina, Iran và Algeria cũng đã nộp đơn xin gia nhập nhóm này.


Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, khả năng mở rộng của BRICS nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới dự kiến được tổ chức tại Nam Phi từ 22-24/8. Nga rất vui vì nhiều quốc gia đang tỏ ra quan tâm tới BRICS, ông Peskov cho biết .


Minh Đức (Theo TASS, Politico)

Chia sẻ Facebook