Đồng minh của Mỹ lưỡng lự về lực lượng đặc nhiệm trên Biển Đỏ
Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn đưa ra một phản ứng cứng rắn tầm quốc tế trước các cuộc tấn công của tổ chức Houthi nhằm vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ.
Hai đồng minh châu Âu của Mỹ được nêu tên trong danh sách các nước góp phần vào Chiến dịch Bảo vệ Nền Thịnh vượng – Ý và Tây Ban Nha – đã đưa ra tuyên bố tách khỏi lực lượng hàng hải này.
Lầu Năm Góc khẳng định, lực lượng này là một liên hiệp phòng vệ với hơn 20 nước thành viên có nhiệm vụ bảo đảm nền thương mại trị giá hàng tỷ USD được vận hành trơn tru qua một điểm trung chuyển quan trọng trên Biển Đỏ ngoài khơi Yemen.
Tuy nhiên, tới một nửa các nước trong đó đã không ra mặt công nhận việc có góp mặt vào liên minh này hoặc cho phép Mỹ làm việc đó. Các nước này đóng góp trên nhiều quy mô khác nhau, từ điều động tàu chiến tới chỉ điều động một quân nhân.
Việc các đồng minh của Mỹ lưỡng lự về kết nối bản thân với nỗ lực này phần nào đã cho thấy những rạn nứt đầu tiên từ cuộc chiến tại Gaza, một cuộc xung đột mà ông Biden đã thể hiện thái độ hỗ trợ vững chắc cho Israel ngay cả khi những chỉ trích từ quốc tế đang trở nên ngày càng lớn.
David Hernandez, giáo sư Khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Complutense của Madrid cho biết, công chúng tại châu Âu đang chỉ trích Israel ngày càng mạnh mẽ và lo ngại sẽ bị kéo vào cuộc xung đột.
“Chính phủ các nước châu Âu đang rất lo ngại về khả năng những cử tri tương lai của họ sẽ quay lưng chống lại”.
Tổ chức Houthi do Iran hậu thuẫn đã tấn công hoặc chiếm đoạt hàng chục tàu vận tải bằng tên lửa và máy bay không người lái kể từ ngày 19 tháng 11, cố gắng gây ra hậu quả quốc tế cho chiến dịch của Israel, một chiến dịch được quốc gia này đề ra nhằm đáp trả vụ tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10.
Hải quân các nước Mỹ, Anh và Pháp đều đã bắn hạ một số tên lửa hoặc máy bay không người lái của Houthi.
Một nguồn tin có thông tin nội bộ cho biết, chính phủ Mỹ tin rằng các cuộc tấn công leo thang của Houthi cần được đáp trả bởi phản ứng quốc tế tách biệt khỏi cuộc xung đột tại Gaza.
Biển Đỏ là lối vào cho các tàu vận tải hướng tới Kênh đào Suez, một kênh đào phục vụ 12% lưu lượng vận tải đường biển toàn thế giới và có vai trò thiết yếu cho hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu. Các cuộc tấn công của Houthi đã khiến một số tàu phải điều hướng qua Vịnh Hảo Vọng tại Châu Phi, khiến thời lượng và chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Công ty vận chuyển Maersk của Đan Mạch trong ngày thứ Bảy cho biết, sẽ khôi phục hoạt động vận chuyển tại Biển Đỏ và Vịnh Aden. Tuy nhiên Hapag Lloyd của Đức trong ngày thứ Tư cho biết, họ tin rằng Biển Đỏ quá nguy hiểm và sẽ tiếp tục điều hướng tàu qua Vịnh Hảo Vọng.
Mâu thuẫn tại Gaza
Mặc dù Mỹ khẳng định 20 quốc gia đã tham gia lực lượng đặc nhiệm hàng hải của mình nhưng mới chỉ tuyên bố tên của 12 nước.
Thiếu tướng Patrick Ryder cho biết: “Chúng tôi sẽ cho phép các quốc gia khác tự tuyên bố về việc họ tham gia lực lượng này”.
Liên minh châu Âu EU đã thể hiện sự ủng hộ cho lực lượng hàng hải này bằng một phát biểu chung lên án các cuộc tấn công của Houthi.
Mặc dù Anh, Hy Lạp và các quốc gia khác đã công khai ủng hộ chiến dịch này của Mỹ nhưng có nhiều quốc gia khác mà Mỹ nhắc tới đã nhanh chóng khẳng định không có liên quan trực tiếp.
Bộ quốc phòng của Ý cho biết, sẽ gửi tàu tới Biển Đỏ sau khi nhận được yêu cầu từ những người sở hữu tàu của Ý và không phải theo chiến dịch của Mỹ. Chính phủ Pháp cho biết, họ ủng hộ những nỗ lực bảo vệ sự tự do di chuyển tại Biển Đỏ nhưng cũng khẳng định các tàu chiến của họ sẽ vẫn nằm dưới sự chỉ huy của Pháp.
Tây Ban Nha đã khẳng định, không tham gia Chiến dịch Bảo vệ Nền Thịnh vượng và phản đối sử dụng những sứ mệnh chống cướp biển Atalanta của EU sẵn có để bảo vệ hoạt động vận tải tại Biển Đỏ. Tuy nhiên, trong thứ Tư, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, ông sẵn sàng cân nhắc việc đề ra những sứ mệnh mới để đối phó với vấn đề hiện tại.
Ả Rập Saudi và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trước đó khẳng định không có hứng thú tham gia vào liên hiệp này.
Sự phẫn nộ từ công chúng xung quanh chiến dịch tại Gaza của Israel giải thích cho sự lưỡng lự của lãnh đạo các nước. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Yougov cho thấy, phần lớn người Tây Âu – nhất là Ý và Tây Ban Nha – cho rằng Israel cần ngừng hoạt động quân sự tại Gaza.
Bên cạnh đó cũng có khả năng các nước tham gia liên hiệp sẽ bị trả thù bởi Houthi. Một nguồn tin nội bộ cho biết, thay vì những bất đồng quan điểm về Gaza, chính những rủi ro đó mới là nguyên nhân khiến một số nước xa lánh nỗ lực này.
Đây có vẻ là trường hợp của Ấn Độ, và một quan chức cấp cao của quân đội quốc gia này cho biết, Ấn Độ rất khó có khả năng sẽ tham gia liên hiệp này. Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, chính phủ nước này lo ngại rằng việc tham gia liên hiệp của Mỹ sẽ khiến họ trở thành mục tiêu lớn hơn.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu đánh giá thấp những lo ngại về tính đoàn kết trong liên hiệp và khẳng định nỗ lực này vẫn đang hình thành, không đối mặt với khả năng tan vỡ. Nguồn tin này cũng cho biết, các đồng minh của Washington hiểu rõ những thử thách mà ông Biden phải đối mặt tại Mỹ về cuộc chiến Israel -Gaza.
Cần sự ủng hộ từ quốc tế
Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu và vùng Vịnh đã tham gia một trong nhiều liên hiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông, bao gồm Lực lượng Tác chiến Hàng hải (CMF) gồm 39 nước.
Theo một phát ngôn viên cho biết, chiến dịch Atalanta của EU đã hợp tác với CMF qua “quan hệ tương hỗ”.
Điều này đồng nghĩa với việc một số quốc gia không chính thức tham gia lực lượng đặc nhiệm hàng hải trên Biển Đỏ vẫn có thể hợp tác tuần tra với Hải quân Mỹ.
Ví dụ, mặc dù Ý, một quốc gia thành viên của Atalanta, đã khẳng định sẽ không tham gia Chiến dịch Bảo vệ Nền Thịnh vượng, một nguồn tin chính phủ Ý cho biết liên hiệp do Mỹ dẫn đầu vẫn thỏa mãn về các đóng góp của Ý.
Nguồn tin này cho biết, quyết định gửi tàu khu trục dưới chiến dịch có sẵn là một phương pháp xúc tiến điều động và không cần phải nhận được quyết định đồng thuận mới từ quốc hội.
Nỗ lực thu hút sự ủng hộ quốc tế của Mỹ cho chiến dịch an ninh tại Biển Đỏ được thực hiện khi Mỹ đang phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía bởi các phe ủy quyền của Iran trong khu vực.
Ngoài Houthi tại Yemen, các tổ chức dân quân do Iran hậu thuẫn cũng đã tấn công binh lính Mỹ tại Syria và Iraq.
Cho tới nay, Mỹ đã thực hiện không kích đáp trả một cách hạn chế đối với các tổ chức dân quân tại Iraq và Syria nhưng đã kiềm chế tại Yemen.
Michael Mulroy, cựu Phó trợ lý Bộ Quốc phòng về Trung Đông dưới thời chính quyền Trump đã cho biết mục tiêu của Lầu Năm Góc về việc đề ra một liên hiệp hàng hải mới có vẻ là nhằm biến những cuộc tấn công trong tương lai của Houthi thành vấn đề quốc tế và tách biệt với cuộc chiến Israel-Hamas.
“Một khi các tàu quân sự của Chiến dịch Bảo vệ Nền Thịnh vượng bắt đầu bảo vệ các tàu thương mại và bị tấn công, (Houthi) sẽ được coi là đã tấn công toàn liên hiệp chứ không chỉ Mỹ”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)