Đồng euro lao dốc sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp?
Đồng euro đã giảm xuống mức 1 euro đổi 1,0002 đôla Mỹ (USD) ngày 12-7, giảm sâu nhất trong 20 năm qua, khiến một số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu ở thị trường tính bằng đồng tiền này bị tác động.
Ngày 13-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , một số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu cho rằng việc biến động tỉ giá của đồng euro xuống thấp bằng tỉ giá đồng USD ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn hàng đã ký.
Là "anh cả" trong xuất khẩu gạo và các sản phẩm làm từ gạo như bún, phở khô đều đặn mỗi tháng 10 container sang thị trường khó tính EU, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng đồng euro giảm giá sâu ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Biến động tỉ giá ảnh hưởng cực kỳ lớn đến các đơn hàng đã ký. Các doanh nghiệp đều bị thiệt thòi. Ví dụ ký hợp đồng 10 kênh thì ảnh hưởng hết 10 kênh. Những ngày tiếp theo, đơn hàng mới sẽ theo tỉ giá mới. Điều này không phải do bên mua hay bên bán, mà do tình hình chung, nên các nhà nhập khẩu có lợi hơn các nhà xuất khẩu", ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho hay ngoài những doanh nghiệp "mắc" vào những hợp đồng đã ký, hiện nay cũng có doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không ký trước vì rủi ro. Ông Bình giải thích thêm: "Làm kinh doanh, nhất là xuất nhập khẩu khó đoán trước thị trường, đặc biệt sau dịch và hiện nay thế giới có chiến sự, nên ký hết đơn này đến đơn khác. Người mua và người bán không lỗ, mà chia sẻ với nhau, làm theo hướng bền vững lâu dài, nền kinh tế toàn cầu hội nhập Việt Nam với các nước trên thế giới".
Việc lên xuống trong tỉ giá hối đoái giữa hai đồng tiền lớn là đồng euro và USD không phải là hiếm, thế nhưng bất cứ lần thay đổi nào của hai đồng tiền này đều dẫn tới những biến động trong đầu tư, thương mại quốc tế.
Cũng đồng tình với nhận định này, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường truyền thống như Nga, Belarus và các nước Trung Đông cho hay: "Nhìn chung, khi đồng euro lao dốc bằng USD sẽ bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khi thanh toán bằng đồng euro.
Các mặt hàng trọng tâm cho xuất khẩu của chúng tôi là hạt điều, gạo, hạt tiêu, thủ công mỹ nghệ. Việc hạ tỉ giá này bất lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu vì doanh nghiệp thu về tiền euro và thu mua hàng nông sản trong nước để chế biến, xuất khẩu lại mua bằng VND".
Doanh nghiệp này cũng phân tích thêm: "Việc hạ tỉ giá đồng euro sẽ ảnh hưởng đến thanh quyết toán các hợp đồng xuất khẩu, nhất là vào cuối năm. Một số hợp đồng thanh toán của đối tác nước ngoài trả bằng đồng euro quy đổi sang VND thì doanh nghiệp Việt Nam không được lợi. Nếu như doanh nghiệp phải vay ngoại tệ từ ngân hàng thương mại để thanh toán các hợp đồng đầu tư, tư vấn hoặc thuê chuyên gia nước ngoài thì có lợi nhiều hơn".
Bên cạnh những bất lợi với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, nông sản, việc giảm tỉ giá đồng euro cũng sẽ ảnh hưởng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Là doanh nghiệp có nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng, may mặc có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM, chị Nguyễn Anh Thư, chủ doanh nghiệp, chia sẻ: "Các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa đã được ký kết ngay từ đầu năm nên doanh nghiệp có lợi không ít trong đợt biến động tỉ giá này. Trong khi giá trị đồng tiền Việt Nam hiện nay tương đối ổn định. Như vậy, kinh tế vĩ mô càng ổn định góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển".
Ngày 11-7, đồng euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua, về mức gần bằng đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài và đe dọa làm trầm trọng tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu.