Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Những cuộc giải cứu kỳ diệu

Chia sẻ Facebook
14/02/2023 02:13:00

Động đất đã lắng sau 7 ngày, nhưng thêm nhiều người vẫn được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập nhờ nỗ lực làm việc không mệt mỏi của các đội cứu hộ.


Một tuần sau khi các trận động đất mạnh 7,8 và 7,6 độ richter tàn phá các khu vực rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và  Syria, các cơ quan viện trợ và chính phủ hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng đang nhận thức được quy mô của cuộc khủng hoảng.

Họ cũng đang cảnh báo về những thiên tai thứ cấp, chẳng hạn như sự bùng phát dịch tả, trong khi hàng triệu người phải di dời.

Song song với đó, lực lượng cứu hộ vẫn chưa từng bỏ cuộc: Họ tiếp tục kéo thêm nhiều người sống sót ra khỏi đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khi số người thiệt mạng vì các trận động đất tuần trước đã lên tới 36.000 người.

Semih Ege Ince, một cậu bé 9 tuổi, đã yêu cầu các nhân viên cứu hộ cho cậu kem và nước sau khi được cứu sống ở tỉnh Gaziantep 155 giờ sau khi động đất xảy ra, TRT World cho biết trên Telegram. Ince nói cậu muốn ăn kem vị dâu, uống nước cam ép Twister, và có cảm giác khát đến nỗi cậu có thể uống hết 20 lít nước một lúc.

Theo Tiến sĩ Malcolm Russell, thuộc Đội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế của Vương quốc Anh, việc sống sót sau một nhiều ngày bị mắc kẹt dưới đống đổ nát theo sau động đất đòi hỏi sự may mắn và khả năng tiếp cận với nước.

Đống đổ nát từ một tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/2/2023. Ảnh: Al Jazeera

“Những câu chuyện này thực sự đáng kinh ngạc, chúng tôi biết rằng mọi người có thể sống sót trong một khoảng thời gian phi thường”, ông Russell nói với Al Jazeera từ thành phố Antakya  của tỉnh Hatay khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tiếp cận một số người sống sót một tuần sau trận động đất.

“Những gì họ cần trong một tình huống động đất, tôi phải nói rằng có một mức độ may mắn. Họ sẽ phải may mắn mới mắc kẹt ở một khu vực – chúng tôi gọi là không gian trống có thể sống sót – có thể không lớn, nhưng ở một nơi nào đó mà các phần cơ thể họ không bị nghiền nát”, ông nói. “Sau đó, đó là một câu hỏi về sinh lý học của họ. Vấn đề chính là thiếu nước và mất nước”.

“Và cuối cùng, yếu tố của tất cả những điều này là khả năng phục hồi cảm xúc, khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, giữ lại một số hy vọng”, ông nói thêm. “Và trong nhiều trường hợp, có lý do để tiếp tục gây ra tiếng ồn, bởi vì tiếng ồn đó có thể truyền qua đống đổ nát và chúng ta có thể sử dụng thiết bị chuyên dụng để lắng nghe tiếng kêu cứu”.


Những cuộc giải cứu kỳ diệu

Nhiều người được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập khi các đội cứu hộ làm việc không mệt mỏi tại hiện trường đổ nát sau 7 ngày.

Nỗ lực cứu hộ đã mang đến thêm nhiều cuộc giải cứu kỳ diệu từ đống đổ nát của trận động đất mạnh tấn công Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria hôm 6/2.

Cô Serap Donmez đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, 176 giờ sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra. Ảnh: Anadolu Agency

Một bé gái 6 tuổi tên Miray đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một khu chung cư ở thành phố Adiyaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/2, 178 giờ sau trận động đất kinh hoàng, Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Adil Karaismailoglu cho biết.

Cũng sau 178 giờ bị mắc kẹt, bà Nuray Gurbuz, 70 tuổi, đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà 3 tầng bị sập ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh Tolga Fakioglu, một người đàn ông 34 tuổi, đã được giải cứu hôm 12/2 tại huyện Defne, tỉnh Hatay sau khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong 155 giờ kể từ khi trận động đất đầu tiên xảy ra ở nước này.

Cô Rukiye, 21 tuổi, cũng được kéo ra khỏi đống đổ nát ở tỉnh Adiyaman sau khi cô bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong 153 giờ.

Anh Huseyin Seferoglu, một người bị thiểu năng trí tuệ, cũng được kéo ra khỏi đống đổ nát ở Antakya, tỉnh Hatay, tỉnh cực Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông 23 tuổi được kéo ra khỏi đống đổ nát 152 giờ sau trận động đất.

Bà Nuray Gubuz, 70 tuổi, được các nhân viên cứu hộ khiêng trên cáng sau khi được giải cứu khỏi đống đổ nát ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Bà Ismihan, một phụ nữ 85 tuổi, cũng được giải cứu ở cùng khu vực sau khi bà bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong 152 giờ.

Hai chị em Rabia Kirmizi, 22 tuổi và Elif Kirmizi, 28 tuổi, đã được giải cứu ở tỉnh Adiyaman hôm 12/2, sau khi họ bị mắc kẹt dưới những khối bê tông suốt 152 giờ.

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cho biết trên Twitter rằng các đội từ nước này đã giải cứu một phụ nữ và một em bé 150 giờ sau trận động đất.

Ông Bukele cho biết hai người – gồm Melih Efe Ozcan, khoảng 5 tuổi và Deniz Dal, khoảng 30 tuổi - đã được cứu ở Kahramanmaras.

Cô Serap Donmez đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, 176 giờ sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra. Ảnh: Anadolu Agency


“Thảm họa của thế kỷ”

Tính đến ngày 13/2, các trận động đất đã khiến ít nhất 31.643 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 4.500 người ở Syria thiệt mạng.

Sự tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện khiến nó trở thành trận động đất tồi tệ nhất tấn công nước này kể từ năm 1939, với hàng chục nghìn tòa nhà bị phá hủy trên một khu vực có đường kính 500 km, ảnh hưởng trực tiếp đến 13,5 triệu người, tương đương hơn 15% dân số của quốc gia liên lục địa Á-Âu.

Ít nhất 150.000 nhân viên dịch vụ khẩn cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài đang làm việc trong các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ thiên tai.

Hôm 12/2, Bộ trưởng Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum cho biết hơn 25.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong số 170.000 tòa nhà được đánh giá.

Tại Syria, hơn 5 triệu người được cho là đã phải di tản vì bị mất nhà cửa trong trận động đất.

Điều đó có nghĩa là trong vòng chưa đầy 1 giờ vào sáng sớm ngày 6/2, gần một nửa trong tổng số người Syria phải di dời vì Nội chiến đã một lần nữa buộc phải di chuyển đến các khu vực khác.

Trước trận động đất, khoảng 6 triệu người ở Syria đã phải di tản trong nước do xung đột, hầu hết họ sống ở miền Bắc Syria, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa động đất vừa qua.

Tình nguyện viên phân phát thực phẩm ở Atareb, Syria, ngày 13/2/2023. Ảnh: Al Jazeera

Có tới 23 triệu người đã bị ảnh hưởng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trên diện tích 120.000 km2. Cả 2 quốc gia đều phải đối mặt với thiệt hại kinh tế gần như khôn lường. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí tốt để phục hồi trong thời gian ngắn so với Syria, quốc gia đang ở trong tình trạng gần như sụp đổ hoàn toàn về kinh tế sau 12 năm Nội chiến.

Nhưng Ankara đã phải đối mặt với lạm phát cao và thâm hụt ngày càng tăng. Theo ước tính ban đầu của Ngân hàng Hoa Kỳ (BofA), các trận động đất đã gây ra thiệt hại lên tới 5 tỷ USD cho các tòa nhà và sẽ cần ít nhất 3 tỷ USD để cứu trợ nhân đạo ngay lập tức.

Đây là một ước tính thận trọng, BofA cảnh báo, cho biết rằng công tác sửa chữa cơ sở hạ tầng và các chi phí khác như hỗ trợ nạn nhân động đất phục hồi sau thảm họa sẽ làm tăng đáng kể con số ước tính trên.


Còn Liên đoàn Doanh nghiệp và Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ (Turkonfed) dự đoán các trận động đất sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia hơn 84 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 1 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống trong những nơi ở tạm thời, bao gồm cả những thành phố lều được dựng lên vội vã để cung cấp nơi trú ẩn cho người dân trong nhiệt độ lạnh cóng.

Người dân ở Harem, Tây Bắc Syria, đi bộ qua đống đổ nát của thị trấn sau trận động đất. Ảnh: The Guardian

Một người phụ nữ đẩy chiếc xe nôi chở đồ đạc của mình sau trận động đất chết người ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GZero Media


Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 10/2 cho biết 1,78 tỷ USD đã được dành để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chuẩn bị “đánh giá nhanh các nhu cầu cấp bách và lớn”.


Khoảng 100 quốc gia đã quyên góp viện trợ đáng kể hoặc gửi các đội cứu hộ chuyên nghiệp tới vùng bị thảm họa .


Minh Đức (Theo TRT World, Hindustan Times, The National News, Al Jazeera )

Chia sẻ Facebook