Động đất làm gián đoạn “viện trợ xuyên biên giới” tới Idlib, Syria
Số người thiệt mạng vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 5.100. Trận động đất cũng tàn phá một khu vực vốn đã hứng chịu hơn một thập kỷ nội chiến ở Syria.
Các nhân viên cứu hộ đã tỏa đi khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 7/2, trong ngày thứ hai chạy đua để tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng kéo theo nhiều dư chấn đã san bằng hàng ngàn tòa nhà trong khu vực, và khiến số người thiệt mạng được xác nhận đã tăng vọt lên hơn 5.100 người.
Nhiệt độ mùa đông lạnh cóng và hàng chục dư chấn từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter từ ngày 6/2 đã cản trở công tác cứu hộ và cứu nạn từ đống đổ nát của các tòa nhà và khiến những người sống sót có nguy cơ bị hạ thân nhiệt khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới -3 độ C.
Đến trưa ngày 7/2, số người thiệt mạng vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 5.100, bao gồm 3.419 ở Thổ Nhĩ Kỳ, với 20.534 người khác bị thương ở nước này, hãng tin AP cho biết. 1.602 người khác được xác nhận đã thiệt mạng ở phía Syria. Các quan chức cảnh báo con số tổn thất về người sẽ tiếp tục tăng; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết con số cuối cùng về người thiệt mạng ở cả 2 nước có khả năng vượt quá 20.000.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất xảy ra lúc 4h17 sáng giờ địa phương tại tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó diễn ra trên đứt gãy Đông Anatolia, ranh giới giữa mảng Anatolia, mảng châu Phi và mảng Ả Rập của vỏ Trái đất. Dư chấn lớn nhất, đo được 7,5 độ richter, diễn ra cách tâm chấn ban đầu gần 100 km trên một đường đứt gãy khác.
Khoảng 13,5 triệu người đã bị ảnh hưởng trên 10 tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo cơ quan chức năng của quốc gia liên lục địa Á-Âu. Hơn 7.800 người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải cứu. Chính phủ nước này cũng cho biết hơn 11.000 tòa nhà đã bị hư hại.
Hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đã cử các đội đến hỗ trợ nỗ lực cứu hộ và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 13.000 nhân viên cứu hộ đã rời Istanbul để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng trong khu vực vào cuối buổi sáng ngày 7/2.
Thiệt hại do trận động đất và dư chấn đã tàn phá một khu vực vốn đã hứng chịu hơn một thập kỷ nội chiến ở Syria. Quốc gia này không thể nhận được viện trợ trực tiếp từ nhiều quốc gia vì các lệnh trừng phạt, vì vậy “viện trợ xuyên biên giới” là một cứu cánh.
Theo các quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ), cửa khẩu duy nhất giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được cơ quan này chấp thuận để vận chuyển viện trợ quốc tế vào Syria đã bị đóng cửa do các con đường xung quanh bị hư hại do động đất, làm phức tạp thêm phản ứng vốn đã khó khăn đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra.
Cửa khẩu này, được gọi là Bab al-Hawa, là điểm nối duy nhất cho viện trợ trong 9 năm qua, khi Syria vẫn đang trong tình trạng nội chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện với nhiều nước trên thế giới, cho phép nước này tiếp cận với sự hỗ trợ và viện trợ trực tiếp. Nhưng Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt do chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, không thể nhận được viện trợ trực tiếp từ nhiều quốc gia. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) phải cung cấp viện trợ thông qua cửa khẩu Bab al-Hawa đến vùng Idlib - thành trì cuối cùng của các lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria.
Các quan chức của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết hôm 7/2 rằng cây cầu vẫn còn nguyên vẹn sau trận động đất kinh hoàng một ngày trước đó, nhưng nó không được sử dụng vì những con đường dẫn đến đó đã bị hư hại hoặc bị đóng cửa. Theo WFP, hiện tại họ đang sử dụng các kho dự trữ sẵn có bên trong Syria để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng rồi nguồn cung sẽ cần bổ sung thêm.
“Nếu Bab al-Hawa không hoạt động, về mặt kỹ thuật, dường như sẽ không có cách nào khác để đưa viện trợ xuyên biên giới vào Tây Bắc Syria”, ông Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết khi đề cập đến khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất. “Ngay cả việc tiếp cận Bab al-Hawa dường như cũng là một thử thách lớn vào lúc này” .
Minh Đức (Theo NPR, NY Times)