Đóng cửa rồi bật điều hòa ai cũng tưởng đúng hóa ra sai lầm
Nhiều người cho rằng đóng cửa rồi bật điều hòa hay bật điều hòa rồi đóng cửa không khác gì nhau. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.
Hiện nay, điều hòa là một trong những thiết bị gần như không thể thiếu trong mỗi gia đình , đặc biệt là trong những ngày nắng nóng.
Trong quá trình sử dụng, nhiều người vẫn thường cho rằng việc bật điều hòa trước hay sau khi đóng cửa cũng đều như nhau. Một số khác lại nhận định rằng nên đóng cửa rồi mới bật điều hòa để tiết kiệm điện, ngăn không cho hơi mát từ điều hòa thoát ra bên ngoài.
Tuy nhiên, đây là sai lầm vì sau khi đóng tất cả các cửa căn phòng sẽ trở thành một môi trường kín. Điều hòa không khí làm mát thông qua sự tuần hoàn liên tục của hệ thống lạnh. Trên đồ đạc, ga trải giường trong phòng chắc chắn có nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Nếu đóng chặt cửa ra vào, cửa sổ thì những bụi bẩn này sẽ luân chuyển trong phòng không thể thoát ra bên ngoài. Hít thở không khí như vậy không tốt cho cơ thể.
Hydes - nhà thầu điều hòa không khí ở Coachella (Mỹ), cho biết không khí trong phòng điều hòa đóng kín độc hại gấp 2-5 lần so với bên ngoài bởi không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc ở trong phòng kín quá lâu làm tăng cảm giác bí bách, khó thở.
Cách bật điều hòa đúng là để chạy trong 10 phút, sau đó mới đóng cửa. Bằng cách này, trong quá trình hoạt động của máy điều hòa, một số bụi, vi khuẩn sẽ được thải ra bên ngoài để không khí trong lành có thể vào trong phòng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thường xuyên mở cửa sổ hoặc cửa ra vào để không khí được luân chuyển, bởi ở trong một không gian tương đối kín trong thời gian dài sẽ khiến chất lượng không khí kém đi.
Sau khi bật điều hòa trong 3 giờ, không khí trong phòng không còn trong lành. Sau 6 giờ, không khí trong phòng sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đặc biệt, để tiết kiệm điện, mùa hè nhiều thành viên trong gia đình sẽ dồn về một phòng, có quá nhiều người sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Vì vậy, cứ khoảng 3 giờ bạn nên mở cửa thông gió một lần.
Nếu không thể thông gió kịp thời vào ban đêm, chúng ta cũng có thể chừa một khe hở để không khí lưu thông trong phòng thuận lợi. Điều này sẽ giúp không khí trong lành hơn, giúp bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, khi sử dụng điều hòa, chúng ta cần chú ý những điều sau để nâng cao hiệu quả làm mát của điều hòa, kéo dài tuổi thọ của thiết bị và đảm bảo sức khỏe :
-Hạn chế bật tắt điều hòa thường xuyên, vì điều này không chỉ tốn điện mà còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
- Không bật điều hòa 24/7: Nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa cả ngày khi nhiệt độ tăng cao. Nhưng điều này không chỉ gây lãng phí điện mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe khi ở trong phòng máy lạnh một thời gian dài.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn không nên ngồi trong phòng điều hòa quá 2 tiếng. Trước khi ra khỏi phòng cần mở cửa rộng để lưu thông không khí; bản thân nên đứng trước cửa vài phút giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
- Sử dụng thêm quạt: Nhiều người có tâm lý dùng điều hòa thay thế cho quạt truyền thống, nhưng thực tế thì ngược lại. Bật điều hòa kết hợp với quạt giúp điều hòa không khí tốt, tiết kiệm điện và giảm hao mòn cho thiết bị.
- Cài đặt mức nhiệt trên 25 độ: Bật điều hòa ở chế độ quá thấp dễ khiến cơ thể bị cảm lạnh do chênh lệch nhiệt. Đặc biệt người già và trẻ em có sức đề kháng yếu rất dễ bị đau đầu, viêm họng, ngạt mũi. Do vậy nhiệt độ tốt nhất là 25 độ C.
-Thường xuyên vệ sinh máy điều hòa để cải thiện hiệu quả làm mát và giảm nguy cơ mắc bệnh. Hãy lưu ý không chỉ vệ sinh lưới lọc khí và vỏ máy, mà cần làm sạch cả cánh quạt, dàn lạnh và dàn nóng.
-Trước khi ra ngoài, tắt điều hòa trong khoảng 30 phút để tận dụng tối đa khí lạnh còn lại trong phòng.
-Ban đêm, nên sử dụng chế độ sleep hoặc hẹn giờ tắt máy qua đêm. Điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn đảm bảo người sử dụng có giấc ngủ thoải mái và dễ chịu.
Minh Hoa (t/h)